Châu Âu hiện nay đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 2, có thể một lần nữa gây ra những thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế khu vực. Làn sóng thứ nhất đã khiến GDP khu vực đồng tiền chung châu Âu EU (euro zone) sụt giảm tới 11,8% trong quý 2. Các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn virus lây lan là nguyên nhân chính.
Trước đây, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng sẽ trở lại vào nửa cuối năm 2020 nhưng những gì đang diễn ra thực tế làm dấy lên câu hỏi về những dự báo đó. Nhiều chính phủ đang công bố kế hoạch thực thi các đợt giãn cách mới hoặc làm chậm quá trình tái mở cửa nền kinh tế khi số ca mắc Covid-19 gia tăng.
Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING, cho biết: "Khả năng sụt giảm kép, tức là một đợt giảm khác xảy ra trong quý 4 năm nay, đã tăng lên đáng kể". Ông tin rằng nhiều khu vực ở châu Âu sẽ lâm vào tình trạng tái phong tỏa như những gì đã thấy ở Madrid, Tây Ban Nha và Lyon, Pháp.
"Khi chúng ta bước sang quý 4 với nhiều các biện pháp giãn cách được áp dụng, nó thực sự sẽ kìm hãm tăng trưởng", Carsten Brzeski cho biết.
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết, tính đến ngày 22/9, đã có 2,9 triệu ca nhiễm bệnh được ghi nhận ở châu Âu. Ở Tây Ban Nha và Pháp, số ca mắc bệnh mới hàng ngày đang tăng trên mốc 10.000 ca.
Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng kinh doanh tại IHS Markit, cũng chia sẻ quan điểm về khả năng suy thoái kép có thể xảy ra trong quý IV. Các dữ liệu mới nhất cũng cho thấy sự phục hồi bị đình trệ trong khu vực đồng Euro vào tháng 9.
Lo ngại về cú sốc kinh tế từ các biện pháp giãn cách xã hội, chứng khoán châu Âu đã rơi vào tình trạng bán tháo kể từ đầu tuần. Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, cho biết diễn biến mới của dịch bệnh làm lu mờ kỳ vọng phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đợt lao dốc tháng 3 và tháng 4 đồng thời làm rủi ro tăng lên.
Cảnh báo tương tự cũng được đưa ra với Vương quốc Anh, nơi chính quyền hôm 22/9 yêu cầu các quán rượu và nhà hàng cần đóng cửa sớm đông thời khuyến khích mọi người nên làm việc ở nhà nếu có thể thay vì tới văn phòng.
Các cố vấn khoa học của Chính phủ Anh cảnh báo có thể có tới 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào giữa tháng 10. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã có những thông báo cho thấy chính phủ sẵn sàng phản ứng với mối nguy từ đại dịch.
Ambrose Crofton, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho biết: "Có vẻ như dịch bệnh trở lại sẽ cản trở sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ và cho thấy con đường khó khăn phía trước mà Vương quốc Anh phải đối mặt".
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tây Ban Nha đã yêu cầu quân đội hỗ trợ chống dịch. Một số thành phố đã bị phong tỏa. Thủ đô Madrid là điểm nóng dịch bệnh của quốc gia này. Trong khi đó, Pháp đã ra lệnh hạn chế tụ tập đông người ở nơi công cộng. Riêng ngày 23/9, quốc gia này ghi nhận 13.000 ca mắc mới.
Vương quốc Anh đã phong tỏa Bắc England và áp đặt thêm hạn chế trên toàn quốc. Đức thì công bố sẽ tăng cường xét nghiệm đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng dịch.