Khối không khí lạnh Bắc Cực bao trùm khắp Tây Âu trong tuần tới sẽ là phép thử đầu tiên đối với người dân khu vực này trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí sinh hoạt.
Nhiệt độ ở thủ đô London - Anh sẽ thấp hơn mức trung bình gần 5 độ C, xuống còn 6,5 độ C vào đêm 27-9 (giờ địa phương), theo dự báo của Công ty Công nghệ vũ trụ Maxar Technologies (Mỹ). TP Frankfurt - Đức sẽ chứng kiến nhiệt độ thấp hơn mức bình thường 3,5 độ C vào ngày 28-9. Trong khi đó, một số khu vực của Pháp và Tây Ban Nha cũng đối mặt với nhiệt độ thấp hơn mức bình thường khoảng 3-4 độ C.
Những vấn đề liên quan năng lượng tiếp tục "chiếm sóng" chương trình nghị sự của các nước châu Âu khi cựu lục địa đối mặt nhiều thách thức về việc phải bảo đảm nguồn cung với giá cả phải chăng cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp trong mùa đông này.
Bất chấp những biện pháp can thiệp mạnh mẽ vào thị trường điện của Tây Ban Nha, bao gồm áp trần giá khí đốt, người tiêu dùng vẫn chứng kiến hóa đơn tiền điện hằng tháng của họ tăng nhanh hơn so với nhiều hộ gia đình ở các nước châu Âu khác. Trong tháng 8, hóa đơn điện trung bình đã tăng 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat.
Nhân viên làm việc trên dây chuyền đóng gói sản phẩm tại vùng Bouvines - Pháp trong bối cảnh lo ngại hoạt động sản xuất nông sản ngừng vì hóa đơn tiền điện tăng vọt Ảnh: REUTERS
Ở Đức - nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, hóa đơn tiền điện trung bình tăng 16,6%. Trên toàn Liên minh châu Âu (EU), mức tăng trung bình hằng năm của các hóa đơn tiền điện là 35,7%.
Trong động thái đối phó chi phí năng lượng tăng và thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, các đại gia bán lẻ Thụy Sĩ Migros và Coop đã quyết định giảm sử dụng hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và đèn trong các cửa hàng. Cả hai công ty này đều khẳng định sẽ không sử dụng đèn Giáng sinh năm nay để tiết kiệm năng lượng.
Tại Anh, Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng cho biết nước này sẽ chi khoảng 67 tỉ USD để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp trả hóa đơn tiền điện, khí đốt trong 6 tháng tới. Ông Kwarteng bày tỏ hy vọng giá nhiên liệu sẽ hạ nhiệt khi Anh tiến hành đàm phán hợp đồng năng lượng dài hạn mới với các nhà cung cấp.
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng, chính phủ Hà Lan cũng áp giá trần đối với các hợp đồng năng lượng từ ngày 1-1-2023. Trong khi đó, 3 nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng chính phủ Đức đang đàm phán về việc hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho nhiều nhà cung cấp năng lượng quốc doanh trong khu vực vốn đang chật vật đối phó giá khí đốt tăng cao.
Các công ty năng lượng địa phương của Đức hiện chịu sức ép ngày càng lớn do giá năng lượng tăng cao. Họ đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ sau khi Đức chi 29 tỉ euro (khoảng 28,59 tỉ USD) để cứu trợ hãng khí đốt Uniper trong tuần này.
Ông Ingbert Liebing, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp năng lượng địa phương (VKU), cảnh báo tình trạng vỡ nợ trong lĩnh vực này khi cho rằng họ có thể cần tới số tiền hỗ trợ lên đến hàng chục tỉ euro.
Các quốc gia thành viên EU cũng đang tìm cách bảo đảm mức thuế lợi nhuận thu được đối với các công ty năng lượng và có quyền lựa chọn áp đặt biện pháp nghiêm ngặt hơn, bên cạnh biện pháp chung của khối.
27 quốc gia của EU đang đàm phán về các đề xuất khẩn cấp được chủ tịch Ủy ban châu Âu đưa ra vào tuần trước, nhằm thúc đẩy một thỏa thuận được thông qua trong cuộc họp ngày 30-9. Đề xuất mới sẽ không yêu cầu các quốc gia áp dụng cách của EU về thuế lợi nhuận thu được đối với những công ty nhiên liệu hóa thạch nếu họ có các biện pháp trong nước tương đương.
Nhiều nhà ngoại giao từ một số nước EU hy vọng đạt được thỏa thuận vào tuần tới nhưng cho rằng điều đó chỉ xảy ra khi các nước được phép duy trì những biện pháp chống khủng hoảng quốc gia của riêng mình.