Châu Âu lần đầu đối diện với dịch Covid-19 khi virus đã xâm nhập vào Italy với 229 ca nhiễm bệnh, 7 người chết. Giới chức Italy đã đóng cửa 10 thị trấn, các trường học tại các thành phố lớn, hủy bỏ các sự kiện văn hóa, thể thao để đề phòng dịch bệnh.
Sự gia tăng đột biến chỉ từ vài ca nhiễm virus trong ngày 20/2, đã phá vỡ cảm giác an toàn và khoảng cách với dịch bệnh mà phần lớn người dân châu Âu cảm thấy trong tháng qua bất chấp việc virus làm hơn 80.000 người nhiễm bệnh và hơn 2.600 người chết trên toàn thế giới, nhưng chủ yếu ở Trung Quốc.
Nhận thức về mối đe dọa của người dân châu Âu đột ngột tăng lên trên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, báo chí và mạng xã hội trên khắp châu lục. Điều này có thể khiến các nhà chính trị tại đây đối mặt với những thách thức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015. Cuộc khủng hoảng khi đó thay đổi mạnh mẽ EU và bộc lộ những điểm yếu về thể chế của khối.
Lần này, một loại virus vô hình từ bên ngoài đã vượt biên giới châu Âu và hiện diện ở đây, khiến liên minh các nước châu Âu đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn.
Nếu virus tiếp tục lây lan, nguyên tắc cơ bản về thông thương biên giới giữa các quốc gia EU - bản sắc của khối - sẽ bị suy nghĩ lại. Nền y tế dự phòng của châu lục này cũng đối diện với bài kiểm tra lớn, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo hơn.
Quả thực, đến ngày 24/2, sự lo lắng đã xuất hiện trên khắp châu Âu trong khi trước đó người dân ở đây khá thờ ơ với vấn đề này.
Khu vực ghi nhận các ca nhiễm virus corona tại Italy. Đồ họa: NYT
Ở vùng Lombardy của Italy, 10 thị trấn đã bị đóng cửa sau khi xuất hiện hàng loạt ca nhiễm bệnh bất ngờ ở Codogno, phía Đông Nam Milan. Người dân chỉ được phép đi và đến thị trấn khi được cho phép đặc biệt. Điều này ảnh hưởng đến ít nhất 50.000 người và trong tối 23/2, cảnh sát được trang bị khẩu trang phẫu thuật đã bắt đầu chặn các đoàn xe ra vào thị trấn.
Giới chức Áo cũng đã cho dừng một đoàn tàu trên đường từ Ý trở về và xét nghiệm các khách đi trên đoàn tàu này. Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer nói rằng các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, do đó đoàn tàu là "hoàn toàn sạch".
Tại Pháp, tân Bộ trưởng Y tế Olivier Veran nhấn mạnh nước này đã chuẩn bị ứng phó và sẽ tăng cường việc xét nghiệm để để phòng lây lan.
"Có một chút rắc rối ở cửa ngõ, ở Italy, và chúng tôi đang theo dõi hết sức sát sao", ông phát biểu hôm 23/2 và cho biết thêm rằng các bộ trưởng Y tế của các nước châu Âu cũng đang họp bàn phòng chống dịch.
Tối 23/2, một tàu viện trợ đưa hàng trăm người di cư được giải cứu ở ngoài khơi Libya đến cảng ở Sicilian và hướng dẫn những người này cách ly 14 ngày theo yêu cầu của chính phủ Italy. Nỗi sợ hãi người nước ngoài có thể làm lây lan virus qua đại dương khiến các quốc gia trên khắp thế giới áp dụng những biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã cấm nhập cảnh những người nước ngoài từng tới thăm Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát. Nhiều nước khác cũng áp dụng biện pháp tương tự nhưng virus vẫn tiếp tục phát tạn mạnh tại Hàn Quốc, Iran và nhiều quốc gia ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên.
Israel hôm 24/2 bắt đầu cấm nhập cảnh ngay tại cửa khẩu những người từng tới Nhật Bản và Hàn Quốc trong vòng 14 ngày. Hàn Quốc hiện tại được đặt trong mức báo động cao nhất khi đã có 893 người nhiễm bệnh. Hàn Quốc cũng tiến hành cấm du khách đến từ Trung Quốc và các biện pháp khác để chống dịch.
"Những ngày tới sẽ rất khó khăn cho chúng ta", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trong cuộc họp khẩn cấp với các quan chức chính phủ.
Tại Trung Quốc, dù nhà chức trách đã cách ly những khu vực với hàng chục triệu người để tránh lây lan dịch bệnh nhưng vẫn đang phải vật lộn chống lại loại virus mà không có thuốc chữa hoặc vắc-xin.
Những ca nhiễm bệnh mới đây ở Italy, phần lớn ở vùng Lombardy bao gồm khu vực có mật độ dân cư đông đúc, Milan, đem đến một thách thức mới cho Italy, đất nước có nền chính trị bị ảnh hưởng bởi các cuộc đấu đá nội bộ, cũng như thách thức mới dành cho châu Âu.
Tham khảo New York Times