Theo thống kê của Reuters, châu Âu chiếm hơn 1/2 số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua trên toàn cầu và khoảng 1/2 số ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái khi dịch Covid-19 đạt đỉnh lần đầu ở Ý.
Các chính phủ và nhiều công ty lo ngại đại dịch kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế vốn đang mong manh. Các quốc gia bao gồm Hà Lan, Đức, Áo và Cộng hòa Czech đang thực hiện hoặc lập kế hoạch về các biện pháp phòng ngừa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo Hà Lan sẽ phong toả một phần trong 3 tuần từ ngày 13-11, trở thành nước đầu tiên ở Tây Âu phong tỏa 1 phần kể từ mùa hè năm nay để ngăn chặn số ca mắc Covid-19 đang tăng lên.
Châu Âu chiếm hơn 1/2 số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua trên toàn cầu và khoảng 1/2 số ca tử vong mới. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, khoảng 65% dân số của Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) - bao gồm Liên minh châu Âu, Iceland, Liechtenstein và Na Uy - đã tiêm đủ hai liều nhưng tốc độ tiêm phòng đã chậm lại trong những tháng gần đây.
Tỉ lệ tiêm phòng ở các nước Nam Âu là khoảng 80% nhưng sự do dự của người dân đã cản trở việc triển khai tiêm phòng ở các nước Trung và Đông Âu và Nga, dẫn đến các đợt bùng phát dịch có thể gây áp lực lên hệ thống y tế.
Đức, Pháp và Hà Lan cũng chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới, điều này cho thấy thách thức ngay cả đối với các nước có tỉ lệ tiêm vắc-xin cao. Các nhà virus học và chuyên gia y tế công nói với hãng tin Reuters nguyên nhân có thể đến từ sự kết hợp giữa tỉ lệ tiêm phòng thấp ở một số nơi, suy giảm miễn dịch ở những người được tiêm vắc-xin sớm, phớt lờ việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi chính phủ các nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong mùa hè.
Trước làn sóng ca nhiễm mới, Đức sẽ xét nghiệm Covid-19 miễn phí trở lại từ ngày 13-11 và dự thảo luật sẽ cho phép tái áp đặt các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có hiệu lực đến tháng 3 năm sau. Chính phủ Áo có thể sẽ ra quyết định áp đặt lệnh phong toả đối với những người chưa tiêm chủng vào ngày 14-11.
Na Uy sẽ tiêm tăng cường cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên trong khi từ ngày 1-12, Ý cũng sẽ tiêm liều thứ 3 cho những người trên 40 tuổi. Các nhà virus học cho rằng chỉ tiêm vắc-xin thôi thì không phải là "viên đạn bạc" để đánh bại đại dịch về lâu dài. Bà Antonella Viola, giáo sư về miễn dịch học tại Trường ĐH Padua (Ý), cho biết các biện pháp như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và quy định tiêm vắc-xin tại các địa điểm trong nhà là rất cần thiết.