Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại các nền kinh tế đang phát triển ở Trung Âu và Đông Âu, với tỉ lệ lạm phát hằng năm cao nhất Liên minh châu Âu (EU) được ghi nhận ở Lithuania (8,2%), Estonia (6,8%) và Hungary (6,6%).
Tại Ba Lan, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Âu, lạm phát cũng chạm ngưỡng 6,4% vào tháng 10 vừa qua - tỉ lệ cao nhất trong 2 thập kỷ qua.
Lạm phát tăng nhanh khiến giá lương thực, nhiên liệu và những sản phẩm khác leo thang, buộc nhiều người phải "thắt lưng buộc bụng". "Chúng tôi đang chi tiêu dè sẻn, cố mua những sản phẩm rẻ nhất dù trông chúng không hấp dẫn mấy" - bà Gabor Pardi nói với hãng tin AP tại một khu chợ thực phẩm ở thủ đô Budapest của Hungary ngày 29-11.
Người dân Ba Lan mua sắm tại một trung tâm thương mại ở TP Gdansk sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng hồi đầu năm nay. Ảnh: REUTERS
Gần 2 năm kể từ khi Covid-19 khởi phát, tác động kinh tế của đại dịch này vẫn đè nặng ngay cả khi các nước dần cởi bỏ phong tỏa và nhu cầu mua sắm tăng trở lại.
Mọi chuyện càng phức tạp hơn khi làn sóng lây nhiễm mới đang khiến châu Âu cùng những khu vực khác trên thế giới tái ban bố lệnh phong tỏa.
Bà Ildiko Vardos Serfozo, chủ một quầy thịt ở ngôi chợ kể trên, cho biết thời gian qua bà gặp khó khăn vì khách hàng đổ đến các chuỗi cửa hàng đa quốc gia để được giảm giá khi mua số lượng lớn. "Khách hàng vốn nhạy cảm với giá cả. Vì thế, họ thường bỏ chúng tôi dù sản phẩm của chúng tôi có chất lượng cao" - bà Serfozo bày tỏ.
Theo giới chuyên gia, châu Âu đang đối mặt với mức tăng lạm phát nhanh chưa từng thấy trong lịch sử châu lục này.
Tình trạng giá cả leo thang chóng mặt sẽ thêm sức ép lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nơi các nhà hoạch định chính sách sớm đối mặt với quyết định quan trọng liên quan đến tương lai của các gói kích thích kinh tế.
Thành viên Hội đồng Điều hành ECB Fabio Panetta mới đây khẳng định ECB chưa cần can thiệp để thắt chặt chính sách tiền tệ, bởi lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời - tức xuất phát từ những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và giá nhiên liệu gia tăng vốn sẽ sớm được giải quyết.
"ECB không cần can thiệp lúc này vì nếu làm thế, hại sẽ nhiều hơn lợi. Cũng giống như bệnh tật vậy, không phải bệnh nào cũng cần uống thuốc" - ông Panetta giải thích, đồng thời khẳng định nếu lạm phát có xu hướng tồn tại dai dẳng, ông sẽ là một trong những người đầu tiên ủng hộ ECB can thiệp.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) khẳng định với báo Wall Street Journal rằng lạm phát châu Âu sẽ đạt đỉnh vào tháng 11 này và giảm vào năm 2022, bắt đầu với mức giảm mạnh ngay trong tháng 1.