Ngày 26-6, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị về những cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam (VN) khi tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại VN - EU (EVFTA).
Miễn thuế hàng loạt mặt hàng
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp VN thay da đổi thịt. Đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng có rất nhiều thách thức đối với nền kinh tế nông nghiệp VN.
Ông Cường lấy con cá ngừ VN làm ví dụ. Cụ thể, một con cá ngừ khủng của VN với trọng lượng 337 kg chỉ bán được 37 triệu đồng. Nhưng một con cá ngừ đại dương của Nhật Bản nặng 270 kg quy ra tiền VN bán được 70 tỉ đồng. “Đó chính là sự khác biệt về đẳng cấp, trình độ kinh tế; về tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức, kỹ năng hội nhập quốc tế” - Bộ trưởng Cường nói.
Từ thực tế trên, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng VN cần phải nhận dạng thật rõ rằng khối lượng nông sản VN sản xuất hiện nay là quá nhiều song giá trị gia tăng lại quá ít, giá bán thấp. “Do vậy các chuỗi sản xuất, kinh doanh bây giờ phải kết cấu lại và phải đồng bộ, cả của Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và toàn dân” - ông Cường nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cũng cho biết: Khi VN tham gia hai hiệp định trên sẽ mang đến nhiều cơ hội cho nông nghiệp VN.
“Nhiều mặt hàng chiến lược của nông nghiệp VN sẽ được xóa bỏ 78%-95% số dòng thuế trong lộ trình 5-10 năm. Trong đó, đối với các mặt hàng thủy sản, Canada cam kết sẽ xóa bỏ 100% các dòng thuế sau khi có hiệu lực. Nhật Bản cũng sẽ xóa bỏ thuế quan ngay với 91% kim ngạch xuất khẩu, trong đó có các mặt hàng như surimi, cá ngừ vây vàng, sọc dưa. Đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, mật ong… có chín nước đã cam kết xóa bỏ thuế quan ngay. Riêng với rau quả VN, tất cả nước sẽ ngay lập tức xóa bỏ thuế quan” - bà Trang thông tin.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của VN, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng như những mặt hàng VN vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Ví dụ như đối với xuất khẩu của VN, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU. Sau bảy năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của VN.
“Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Nhiều mặt hàng thủy sản, hải sản, nông nghiệp Việt Nam được hưởng lợi khi EU xóa bỏ thuế, trong đó có cá ngừ. Ảnh: TL
Nhiều quy định mới phức tạp
Bên cạnh những cơ hội thì các hiệp định trên cũng có không ít những thách thức với công ty Việt. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho hay công ty của ông đã xuất khẩu vào châu Âu hơn 20 năm. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chiếm trên 50% tổng sản lượng, giá trị thủy sản xuất khẩu hằng năm.
“Gần 99% sản phẩm thủy sản của chúng tôi xuất vào châu Âu là hàng giá trị gia tăng, hiện mức thuế nhập khẩu vào thị trường này khá cao, 18%. Khi Hiệp định thương mại tự do VN - EU có hiệu lực, mức thuế này trước mắt sẽ hạ xuống dưới 10%. Đây thực sự là tin vui cho chúng tôi và cả ngành thủy sản VN” - ông Lĩnh nói.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh đánh giá thị trường châu Âu có rất nhiều tiêu chuẩn buộc phải thực hiện nếu không muốn bị tẩy chay, khó sống tại thị trường này. Đáng chú ý bên cạnh những tiêu chuẩn kỹ thuật chung của EU, tiêu chuẩn từ các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng. Ví dụ như tiêu chuẩn về đạo đức môi trường, trách nhiệm xã hội.
“Tôi từng chứng kiến một đoàn người tiêu dùng, tổ chức xã hội kéo vào hội chợ thủy sản để giăng biểu ngữ phản đối, tẩy chay sản phẩm thủy sản của một công ty nước ngoài vì vi phạm về đạo đức trong khai thác một loài thủy sản cần bảo vệ. Ngoài ra, chế tài xử phạt hàng vi phạm của châu Âu rất chặt, hàng thủy sản có lỗi sẽ bị tiêu hủy chứ không được trả về và chủ hàng phải chịu chi phí tiêu hủy lô hàng này nếu muốn tiếp tục xuất vào châu Âu” - ông Lĩnh dẫn chứng.
Đại diện tỉnh An Giang cũng thừa nhận đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ở quy mô vừa và nhỏ nên vấn đề tiêu chí chất lượng xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu. Đây là thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu.
“Hiện một số mặt hàng rau quả đông lạnh của tỉnh khi xuất sang thị trường Úc vẫn bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu” - đại diện tỉnh An Giang dẫn chứng.
Việt Nam mở rộng cửa cho hàng châu Âu
Sau khi tham gia hiệp định EVFTA dự kiến được ký kết vào ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, đối với hàng xuất khẩu của EU, VN cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tức chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu.
Tiếp đó, sau bảy năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được VN xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế, tức chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng chiến lược như sữa và sản phẩm từ sữa, thịt sống, đường, trứng, muối, đồ uống, máy móc, thiết bị, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô... Đây cũng chính là thách thức với các công ty VN, bởi khi thuế giảm, hàng từ các nước sẽ vào nước ta nhiều hơn, giá rẻ hơn.
Về chỉ dẫn địa lý, khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của VN. Ví dụ như nước mắm Phú Quốc, chè Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, mãng cầu Bà Đen, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết, xoài cát Hòa Lộc, mắm tôm Hậu Lộc, gạo Bảy Núi, mật ong bạc hà Mèo Vạc...
Ngược lại, VN sẽ bảo hộ 171 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) với bốn nhóm: rượu vang, đồ uống có cồn, nông sản, thực phẩm.