Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng năng lượng lên mức cao chưa từng có trong lịch sử. Việc giảm nhập khí đốt từ Nga và hạn chế về nguồn cung than buộc châu Âu (EU) phải tìm nhiên liệu thay thế. Điều này đang tạo cơ hội cho sản phẩm mới như nhiên liệu sinh khối, trong đó có viên nén gỗ Việt Nam sang EU.
Tháng 8, sau thông tin Moscow có thể khoá van đường ống Nord Stream 1 để bảo trì, giá khí đốt tại EU có thời điểm gần 324 USD/mwh, cao nhất lịch sử, gấp 3 lần so với đầu năm. Giá nhiên liệu này tăng khiến người tiêu dùng rơi vào khủng hoảng sinh hoạt phí và khiến nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải tạm ngừng sản xuất. Để sản xuất điện, châu Âu đã lựa chọn than là giải pháp thay thế. Tuy nhiên, giá than cũng tăng 150% so với đầu năm.
Trong bối cảnh này, sản phẩm viên nén gỗ được chú ý và nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của EU có thể tăng vào khi mùa đông sắp tới. Viên nén gỗ được coi là một dạng năng lượng tái tạo trung tính carbon. Vì vậy, các nhà máy điện có thể chuyển đổi hệ thống sử dụng nhiên liệu than sang hệ thống đốt viên nén hoặc đồng thời sử dụng cả than và viên gỗ nén làm nguyên liệu.
Viên nén gỗ cũng được sử dụng quy mô lớn trong công nghiệp để tăng cường giá trị nhiệt của chất thải và làm giảm lượng phát thải ô nhiễm. Đối với sinh hoạt, người dân châu Âu có thể sử dụng viên nén gỗ trong các lò sưởi nhỏ và hệ thống cung cấp nước nóng để thay thế cho lò sưởi bằng điện hay khí đốt.
Nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ của châu Âu cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Nguồn: Bloomberg.
Ông Brooks Mendell, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Forisk Consulting đề cập giá khí đốt tự nhiên và giá than ở châu Âu đã tăng nhiều lần so với giá trước đại dịch Covid-19 do nguồn cung bị thiếu hụt. Diễn biến này khiến viên nén gỗ trở thành chất đốt thay thế được ưa chuộng. Đây là cơ hội rất lớn cho Mỹ và Việt Nam, hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về mặt hàng này.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, EU là thị trường tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất thế giới, chiếm 75% nhu cầu viên gỗ toàn cầu, đạt 23,1 triệu tấn vào năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 24,3 triệu tấn năm nay.
Theo số liệu thống kê cập nhật của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), 6 tháng đầu năm, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm viên nén gỗ (HS 440131) của hầu hết các quốc gia khối EU đều tăng. Trong đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng này của Pháp ở mức 87 triệu USD, tăng 30,6%; Đức ở mức 42,3 triệu USD, tăng 29,7%. Tại Ba Lan, giá trị nhập khẩu viên nén gỗ tăng 134% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 23 triệu USD. Nước này đang đối mặt với khủng hoảng khí đốt và than, người dân phải xếp hàng dài bên ngoài nhà máy than để mua dự trữ.
Xuất khẩu viên nén gỗ của Mỹ, thị trường cung cấp lớn thế giới cũng tăng và lập kỷ lục năm 2021 với 7,4 triệu tấn, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hiện nay, giá viên nén gỗ xuất khẩu trung bình của Mỹ trước bảo hiểm và chi phí vận chuyển đã tăng lên gần 170 USD/tấn, từ mức 140 USD năm ngoái. Chuyên gia phân tích của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết giá viên nén gỗ trên thị trường giao ngay lên giá gần gấp đôi do nguồn cung khan hiếm.
Cơ hội cho viên nén gỗ Việt Nam thâm nhập EU
Càng gần mùa đông, không chỉ nhu cầu sưởi ấm của người dân, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của EU cũng tăng. Trong bối cảnh này, viên nén gỗ Việt Nam có thể là nguồn nhiên liệu sạch thay thế cho khí đốt hay than đang khan hiếm.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đánh giá Việt Nam là nước xuất khẩu viên gỗ nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ và viên nén gỗ nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ.
Trong 7 năm qua, lượng sản xuất, xuất khẩu và giá trị thành phẩm của viên nén gỗ tăng. Lượng viên nén xuất khẩu tăng hơn 18 lần, từ 175.000 tấn năm 2013 lên khoảng 3,2 triệu tấn năm 2020. Giá trị xuất khẩu viên nén tăng 15 lần, từ gần 23 triệu USD năm 2013, lên 351 triệu USD năm 2020.
7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu trên đạt 450 triệu USD, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam đang tập trung xuất khẩu mặt hàng này sang hai thị trường là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 99,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, chưa xuất khẩu sang EU.
Nhận định về thị trường viên nén gỗ trong thời gian tới, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia tổ chức Forest Trends cho rằng ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén mới được phát triển hơn một thập kỷ gần đây, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nhu cầu phát triển điện sinh học tại Nhật Bản và Hàn Quốc từ sau thảm động đất và sóng thần. Nhu cầu tiêu thụ viên nén tại các quốc gia này liên tục tăng, là động lực cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam mở rộng. Năm nay, vào tháng 3, Chính phủ Nga ra lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ, trong đó viên nén gỗ đến các “quốc gia không thân thiện” nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của EU. Điều này khiến các nước nhập khẩu viên nén của Nga, đặc biệt là EU, phải tìm nguồn cung thay thế. Giá viên nén gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới được dự báo không chỉ dừng lại ở mức 180 - 200 USD/tấn. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ Việt Nam.
Nguồn: VIFOREST
Theo nguồn tin từ Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương), cho rằng viên nén gỗ được xem là giải pháp thay thế cho các loại nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch vì ít phát thải, khả năng tái tạo, chi phí rẻ. Nhìn từ góc độ kinh tế, viên nén gỗ có nguồn nguyên liệu rẻ với đầu vào luôn sẵn có, không kén chọn. Thông thường, để sản xuất viên nén gỗ các cơ sở sản xuất tận dụng tất cả các “phế phẩm” của mình, như mùn cưa, gỗ mẩu, gỗ dăm… thậm chí tận dụng cả những phế phẩm ngành khác như vỏ trấu, rơm, bã mía, thân cây, vỏ hạt… Bằng cách này, các doanh nghiệp có thể “nhân đôi” nguồn thu. Trước đó, doanh nghiệp chủ yếu chỉ kiếm lời từ chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chế biến gỗ như đồ nội thất, đồ gỗ thô. Thị trường viên nén gỗ mở ra sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời xử lý luôn một phần lớn rác thải phát sinh từ quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Kim Thanh, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chứng khoán SSI - SSI Research nhận định hiện nay xuất khẩu viên nén gỗ sang Châu Âu vẫn chưa phát triển, chỉ chiếm 0 - 1% tổng kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính như Hàn Quốc chiếm khoảng 57% và Nhật Bản chiếm khoảng 39% tổng kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ và là những thị trường tăng trưởng khá tích cực.
Theo chuyên gia SSI Research, EU có thể đem lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ giá trị gia tăng, giá cao do lạm phát ở các thị trường lớn. Một điều cần lưu ý là chi phí logistic cao có thể làm hạn chế xuất khẩu viên nén gỗ sang Châu Âu. Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ giá tăng trong thời gian tới là điều chắc chắn.
Sản xuất viên nén gỗ tại một cơ sở ở Phú Thọ. Ảnh: Bộ Công Thương
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có đề xuất về thuế xuất khẩu viên gỗ nén, viên than gỗ tại văn bản góp ý cho dự thảo lần hai Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và quyết định của Thủ tướng về áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu.
Theo VCCI, mặt hàng viên than gỗ, hiện có thuế suất xuất khẩu 10% được sản xuất từ mặt hàng viên gỗ nén có thuế suất xuất khẩu 0%. Các mức thuế suất như vậy là bất hợp lý vì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất xuất khẩu của nguyên liệu sẽ không khuyến khích được quá trình sản xuất trong nước. Do đó, việc sửa đổi thuế suất mặt hàng này về cùng một mức là hợp lý.
Trong dự thảo nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đưa ra hai phướng án thuế với mặt hàng viên gỗ nén và viên than gỗ, phương án thứ nhất sẽ cùng là 5% hoặc phương án hai cùng là 10%.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng cả hai phương án này đều chưa tính đến mối tương quan với mặt hàng dăm gỗ và vỏ bào. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặt hàng viên gỗ nén được sản xuất bằng cách nén chặt dăm gỗ, vỏ bào, mùn cưa, phế liệu gỗ… Trong khi đó, thuế suất xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ hiện nay là 2% và vỏ bào là 0%. Như vậy, nếu áp dụng thuế suất xuất khẩu 5% hoặc 10% cho mặt hàng viên nén gỗ thì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất xuất khẩu của nguyên liệu sẽ gây tác động bất lợi cho sản xuất trong nước. Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính cân nhắc phương án điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với viên gỗ nén và viên than gỗ về mức 2% hoặc 0%.
Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tăng trưởng của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng trong bức tranh này có một điểm sáng trong ngắn hạn là sản phẩm viên gỗ nén, dăm gỗ Việt Nam chớp được thời cơ khi EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt. Giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150 - 200%, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.