Randstad, doanh nghiệp chuyên về tuyển dụng, cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang khiến nhiều người phải hoãn kế hoạch nghỉ hưu của họ. Tuy nhiên, những người ở châu Á sẽ tiếp tục làm việc bởi họ có những lý do khác ngoài tiền lương.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Workmonitor thì cho biết chỉ một nửa số lao động được hỏi tin rằng họ có thể nghỉ hưu trước tuổi 65, giảm từ con số 61% của năm ngoái.
“Nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát cao và trợ cấp của chính phủ ngày càng giảm khiến nhiều người cân nhắc về việc nghỉ hưu”, Randstad cho biết.
Trong khi 70% số người được hỏi lo lắng về tiền bạc thì ở châu Á, có nhiều người cảm thấy họ không thể ngừng làm việc. 66% số người từ Ấn Độ và 61% số người Trung Quốc tham gia khảo sát coi làm việc sau tuổi nghỉ hưu là cần thiết, tăng gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu là 32%.
“Cho dù là để duy trì giao tiếp xã hội hay trải nghiệm những thách thức từ công việc, nhiều người lớn tuổi ở châu Á sẽ tiếp tục cống hiến không chỉ vì tiền lương. Làm việc mang lại cho họ cảm giác thân thuộc”, Randstad cho biết.
Cảm thấy có giá trị và được tôn trọng
Randstad cho biết các lao động lớn tuổi ở châu Á tiếp tục làm việc vì họ cảm thấy “có trách nhiệm với ông chủ của mình”. Báo cáo cho thấy 21% người lao động ở châu Á cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc nếu cảm thấy công ty vẫn cần mình, cao hơn hẳn tỷ lệ 12% trên toàn cầu.
Sander van 't Noordende, Giám đốc điều hành của Randstad, cho biết: “Các yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng ở đây. Người lao động cảm thấy họ cần tiếp tục làm việc bởi có một công việc ổn định sẽ khiến họ cảm thấy được đồng nghiệp đánh giá cao và tôn trọng”.
Tuy nhiên, sự bùng nổ kinh tế ở các quốc gia châu Á cũng như nhu cầu tuyển dụng tăng theo cấp số nhân cũng góp phần khiến người lao động ở châu Á muốn làm việc sau tuổi nghỉ hưu cao hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới. Châu Á là quê nhà của 3 trong số 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Ngoài ra, đa phần người lao động ở các nước châu Á coi công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Ví dụ, 89% người lao động Trung Quốc và 90% người lao động Ấn Độ coi điều này là đúng, cao hơn gần 20% so với mức trung bình toàn cầu.
Điều này có ý nghĩa gì với các nhà tuyển dụng?
Van 't Noordende cho biết bất kể người lao động làm việc ở đâu, họ đều mong muốn được đáp ứng các nhu cầu như công việc an toàn, linh hoạt, toàn diện và ổn định về kinh tế. Mọi người sẽ cảm thấy công ty là nhà nếu như họ được đền đáp khoản phúc lợi tương ứng để cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống.
“Điều này đặc biệt đúng với thế hệ trẻ, những người đang kiếm tìm sự hài lòng trong công việc hơn là tiền lương”, Van 't Noordende nói.
Đi cùng với đó, người lao động cũng sẵn sàng nhảy việc nếu các nhu cầu của họ không được đáp ứng.
Cuối cùng, do sự thay đổi nhân khẩu học diễn ra nhanh và mạnh mẽ ở châu Á dẫn tới tình trạng khan hiếm nhân lực, buộc các công ty phải linh hoạt hơn các chính sách nhằm tuyển dụng những người đã ở độ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn muốn làm việc, có thể là bán thời gian.
Tham khảo: CNBC