Nhu cầu sử dụng các dịch vụ di chuyển bằng ứng dụng công nghệ tăng cao sau khi các hoạt động của TPHCM bắt đầu được mở cửa trở lại.
Song số lượng taxi công nghệ còn ít và chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn, khiến việc gọi xe trở nên khó khăn.
Đặt nhiều app, chờ nửa tiếng vẫn không bắt được xe
Bắt một chuyến xe taxi công nghệ từ nhà đến sân bay, song qua 2-3 lần bấm tìm tài xế mà vẫn chưa tìm được tài xế nhận cuốc, anh L.T.T (ngụ quận 7, TPHCM) bất ngờ vì chưa bao giờ gọi xe taxi công nghệ lại khó đến thế. Sợ trễ chuyến bay nếu tiếp tục đặt một hãng, anh T vội vàng mở thêm ứng dụng khác để tìm xe nhưng cũng không tìm được.
Sau nửa tiếng đồng hồ loay hoay, nhiều bước xác nhận chọn loại xe và số lượng người đi cho phù hợp với quy định mới, anh T tìm được cho mình và người nhà cuốc xe với giá hơn 200.000 đồng cho quãng đường khoảng 13km.
"Loay hoay gần 30 phút mới bắt được xe, tôi không ngờ tìm taxi công nghệ thời điểm này khó như thế. May mà cũng đã dự liệu sẵn là gọi xe sẽ lâu hơn ngày thường nên tôi đã bật ứng dụng lên tìm trước giờ bay tận 3h. Giá cước cũng cao hơn so với ngày thường nhưng may mà có xe" - anh T than thở.
Số lượng xe taxi công nghệ được hoạt động ít, khách ở nhiều địa bàn khiến việc gọi xe qua ứng dụng khó khăn hơn. Ảnh: Khánh Linh. |
Cũng gặp tình cảnh tương tự nhưng chị Lâm Anh (ngụ quận 7, TPHCM) còn kém may mắn hơn khi mở cả 3 ứng dụng Grab, Be, Gojek mà vẫn không tìm thấy tài xế sau khi đáp chuyến bay ở Tân Sơn Nhất để trở về nhà.
Tất cả app đều được sử dụng nhưng mãi không tìm được tài xế sau khi cố gắng chờ đến cả 30 phút. Cuối cùng, chị đành lựa chọn gọi điện thoại tổng đài taxi truyền thống để gọi xe về nhà dù bình thường đi taxi truyền thống có giá cao hơn.
"Không phải giờ cao điểm, cũng không mưa gió gì nhưng tôi cũng không thể gọi được một chuyến xe công nghệ, chắc sẽ khó hơn vì tôi đi 2 người nên buộc phải đặt xe 7 chỗ. Nhưng điều tôi không ngờ nhất là sau khi kết thúc chuyến đi thì giá cước lại rẻ hơn so với giá hiển thị lúc tôi đặt xe công nghệ đến 30.000 đồng" - chị kể lại.
Mở app là có chuyến
Theo đại diện hãng xe công nghệ BeCar, hiện theo quy định, trong thời gian này, mỗi hãng xe công nghệ chỉ được phép hoạt động 10% lượng phương tiện nên số phương tiện giảm mạnh trong khi nhu cầu của khách đang tăng dần lên.
"Số lượng xe ít hơn mà khách thì trải rộng trên địa bàn toàn thành phố nên xảy ra tình trạng tài xế ở xa điểm đón, hành khách khó bắt xe hơn. Quy định hiện nay cũng chỉ cho phép xe 4 chỗ được chở 1 khách, xe 7 chỗ được chở tối đa 2 khách nên việc đặt xe thực tế cũng khó khăn hơn. Cùng với đó, giá cước được tính toán tự động theo điều kiện cung - cầu thực tế nên giá chuyến cũng tăng lên" - đại diện hãng Be cho biết.
Giá cước tăng, nhu cầu của khách cũng tăng, song tài xế công nghệ chạy xe giai đoạn này cũng không hề dễ dàng. Tài xế Ngô Trinh Việt tâm sự, sau 4 tháng nghỉ vì dịch bệnh anh là một trong những tài xế may mắn được mở app chạy lại vào đầu tháng 10.
"Tôi may mắn hơn 90% anh em đồng nghiệp còn lại vì đã được đi làm. Những ngày này, tôi thường làm khoảng 8 tiếng, trung bình được khoảng gần 20 cuốc xe mỗi ngày, cứ hết cuốc này là tới cuốc khác, gần như không có thời gian trống giữa 2 cuốc xe" - anh Việt nói.
Tài xế, phương tiện và hành khách phải tuân thủ đầy đủ 10 tiêu chí, điều kiện nêu tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn. Ảnh: Khánh Linh. |
Theo quy định cứ 7 ngày, tài xế phải xét nghiệm COVID-19 một lần và gửi kết quả về cho hãng, song vì do nhà có con nhỏ, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho gia đình, cứ 3 ngày anh Việt lại test cho yên tâm. Hiện tại, giá test mỗi lần chỉ chưa tới 100.000 đồng nên anh cũng bớt phần nào áp lực về khoản chi phí này.
"Nói chung được đi làm lại, có thu nhập là mừng, được chạy bù cho mấy tháng trước. Đợt này khách đông nhưng giá xăng tăng và thêm chi phí xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe nên thu nhập cũng không tăng lên là mấy. Chỉ mong thành phố sớm mở hơn cho nhiều anh em tài xế có cơ hội chạy trở lại" - bác tài này chia sẻ.
(Theo Lao Động)