Reuters dẫn lời chính quyền khu vực cho biết khoảng 14.000 người đã được sơ tán khỏi vùng Gironde - Pháp vào chiều 16-7. Hơn 1.200 nhân viên cứu hỏa được huy động để kiểm soát cháy rừng trên diện tích hơn 10.000 ha - tăng từ 7.300 ha hôm 15-7 - tại khu vực này.
Pháp liên tục ghi nhận cháy rừng trong những tuần gần đây cùng với một số nước châu Âu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Đợt nắng nóng ở miền Tây nước Pháp dự kiến đạt đỉnh vào ngày 18-7 với nhiệt độ hơn 40 độ C.
Tại Tây Ban Nha, hỏa hoạn bùng lên ở nhiều nơi sau nhiều ngày nhiệt độ cao bất thường lên tới 45,7 độ C. Theo số liệu của Viện Y tế Carlos III, đợt nắng nóng kéo dài gần 1 tuần qua đã cướp đi sinh mạng của 360 người ở Tây Ban Nha.
Hơn 3.000 người phải sơ tán do một vụ cháy rừng lớn gần Mijas, thị trấn du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Malaga. Ngọn lửa cũng tàn phá 3.000 ha đất ở vùng Extremadura, đe dọa công viên quốc gia Monfrague và quét qua các khu vực Castille, Leon ở miền Trung và Galicia ở miền Bắc Tây Ban Nha.
Cháy rừng dữ dội gần khu vực Landiras - Pháp hôm 16-7 Ảnh: REUTERS
Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ giảm hôm 16-7 sau nhiều ngày vượt ngưỡng 40 độ C. Viện Bảo tồn thiên nhiên và rừng Bồ Đào Nha thống kê tổng cộng 39.550 ha đất đã bị tàn phá bởi cháy rừng từ đầu năm đến giữa tháng 6-2022, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Y tế Bồ Đào Nha cho biết 238 người đã tử vong do đợt nắng nóng từ ngày 7 đến ngày 13-7, hầu hết là người cao tuổi có bệnh nền.
Trong khi đó, Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Anh vừa đưa ra cảnh báo "nhiệt độ cực cao" màu đỏ đầu tiên. Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Anh là 38,7 độ C, ngày 25-7-2019. Nhiệt độ được cho là tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1757 trên khắp châu Âu. Một quan chức Tổ chức Khí tượng thế giới lưu ý đợt nắng nóng ở châu Âu sẽ giữ lại các chất ô nhiễm trong khí quyển, khiến chất lượng không khí suy giảm, đặc biệt là ở các thị trấn và thành phố.