Shipper quyết định hủy đơn vì quãng đường di chuyển khá xa trong khi giá xăng đắt đỏ. Có tài xế công nghệ định bỏ nghề vì thu nhập giảm.
Shipper hủy đơn xa, chỉ dám nhận hàng gần
Chưa kịp vui mừng vì nhận được tiếng chuông thông báo có đơn hàng, shipper Quang Hiệp (quận 5) lại tỏ vẻ buồn bã khi biết điểm đến ở tận quận Gò Vấp. Suy nghĩ giây lát, anh quyết định hủy đơn vì quãng đường di chuyển khá xa, trong khi giá xăng đắt đỏ. Nếu không có hàng chạy ngược về thì nguy cơ lỗ cuốc.
Từ khi giá xăng dầu tăng, thay vì chạy lòng vòng tìm đơn như trước, anh Hiệp chỉ dựng xe tại chỗ cố định để nhận chở hàng gần. Thời gian trước, anh đổ đầy bình xăng mất khoảng 50.000 đồng thì giờ là 80.000-100.000 đồng. Giá nhiên liệu tăng khiến thu nhập từ nghề shipper giảm.
Chung cảnh ngộ, tài xế công nghệ Huỳnh Thanh Bảo (quận 8) cho hay, trước đây, giá xăng 20.000 đồng/lít, doanh thu kiếm được cũng khoảng 300.000-400.000 đồng/ngày nhưng giờ xăng tăng quá cao, chưa tính chi phí ăn uống thì doanh thu chỉ còn từ 150.000-200.000 đồng/ngày.
“Tôi định chuyển sang công việc khác vì thu nhập như bây giờ không đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình”, anh nói.
Việc giá xăng tăng mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới đội ngũ tài xế, shipper (ảnh: Trần Chung) |
Nhà cung cấp đòi tăng giá
Giá nhiên liệu tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của đội ngũ tài xế. Một hệ thống siêu thị lớn toàn quốc mới đây nhận được đề xuất tăng giá từ một số nhà cung cấp khi giá xăng dầu liên tục điều chỉnh. Cụ thể, đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (gạo, mì, dầu ăn,... ), có khoảng 5% nhà cung cấp đề nghị tăng giá với mức tăng trung bình từ 5-10%.
"Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với nhà cung cấp để giữ nguyên mức giá cho người tiêu dùng; đồng thời, chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành với người dân trong cơn bão giá" - đại diện siêu thị chia sẻ.
Riêng đối với các mặt hàng tươi sống và đông lạnh, đề xuất tăng giá đa phần tới từ mặt hàng nhập khẩu do ảnh hưởng của thiếu hụt nhân công toàn thế giới; chi phí vận chuyển qua đường hàng không và đường biển cũng tăng cao. Từ đó, tác động đến giá cả hàng hóa trong dài hạn. Đơn vị này đang phải tìm kiếm thêm các sản phẩm hàng nội địa chất lượng với mức giá cả hợp lý nhằm thay thế.
Theo Tổng Cục Thống kê, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
So với tháng trước, CPI tháng 02/2022 tăng 1% (khu vực thành thị tăng 0,99%; khu vực nông thôn tăng 1,02%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá.
Hệ thống phân phối đang gồng mình, đàm phán giá với nhà cung cấp để giữ giá hàng hóa (ảnh: Trần Chung) |
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, giá bao bì, nguyên liệu, xăng dầu đều có xu hướng tăng. Các yếu tố này tác động và gia tăng áp lực dẫn tới tăng chi phí. Hệ thống phân phối nhận được nhiều đề xuất điều tăng giá của nhà cung cấp. Tuy nhiên, gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét, điều chỉnh.
Trong khi đó, một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả có chiều hướng tăng tại các chợ truyền thống. Nguyên nhân do sự điều chỉnh liên tục lượng khách hàng ngày cũng như chi phí vận chuyển; chi phí xăng dầu ảnh hưởng tới mặt bằng giá.
“Để đảm bảo việc cung ứng xăng dầu, từ cuối tháng 2, Bộ Công Thương đã có kế hoạch nhập khẩu để đảm bảo lượng cung. Ngoài nguồn cung ứng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ có kế hoạch cho 10 đầu mối nhập về tới 2,4 triệu m3 xăng dầu”, ông Phương thông tin.
Trong khi đó, Sở Công Thương TP.HCM sẽ làm việc với Sở GTVT để có phương án hỗ trợ lưu thông trong giờ cao điểm cho xe bồn chở xăng. Bởi khi người dân tập trung đi mua nhiều, việc cung ứng xăng sẽ gặp khó do nhu cầu tăng cao mà xe bồn không thể di chuyển được vào ban ngày, dẫn đến thiếu hụt.
Trần Chung