Đợt bùng phát dịch Covid -19 lần thứ 4, nhiều DN vốn đã kiệt quệ từ những đợt dịch trước, nay lại tiếp tục gánh chịu tổn thất nặng nề nhưng ý thức chống dịch luôn được đặt lên đầu tiên.
Bật - tắt theo làn sóng dịch bệnh
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, nếu như số lao động trong ngành du lịch năm 2019 cả nước là 2,9 triệu người thì kể từ khi dịch Covid bùng phát đến nay, gần 90% đã nghỉ việc hoặc tạm thời ngừng làm việc.
Thống kê của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến giữa tháng 3/2021, có khoảng 90% DN lữ hành vừa và nhỏ, DN lữ hành chuyên đưa khách quốc tế vào Việt Nam, đã tạm ngừng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, "sức khỏe" của DN du lịch TP. Hồ Chí Minh hiện rất yếu.
Các DN du lịch lữ hành cho biết, họ đã quen với tình trạng “bật - tắt công tắc”. Khi dịch lui thì bắt đầu các hoạt động kinh doanh (bật công tắc), khi dịch bùng phát lại ngừng nghỉ (tắt công tắc). Gần như toàn bộ du khách Hà Nội đã hủy các tour du lịch trong tháng 5, nhân viên đang tập trung xử lý các thông tin hoãn, hủy tour của khách. Còn ban lãnh đạo đang thực hiện nghiên cứu, đánh giá và mở hướng đầu tư mới, đại diện Công ty Flamingo Redtours tcho hay.
Không riêng gì chúng tôi, tình hình dịch bệnh liên tiếp bất ổn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các DN lữ hành, đặc biệt là đội ngũ nhân sự làm trong ngành du lịch. Một lượng lớn nhân viên bán hàng, điều hành, hướng dẫn viên du lịch được đưa vào diện chờ đi làm mùa hè này, nay phải tiếp tục bị trì hoãn, đại diện Công ty Vietravel nói.
Tại Đà Nẵng từ đầu tháng 1/2021 hầu hết nhân viên các khách sạn và khu Resort phải nghỉ việc không lương, do vắng khách. Khi nào có khách thì khách sạn gọi đi làm, hết khách lại nghỉ. Từ đầu năm đến nay, chỉ có dịp Tết âm lịch và 30/4 là nhộn nhịp nhất, còn lại khá vắng vẻ. Mỗi tháng chỉ làm việc vài ngày nên thu nhập thấp, một nhân viên phục vụ tại khách sạn 5 sao thuộc quận Sơn Trà cho biết.
Ngành vận tải hành khách cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Sao Việt cho biết, hiện chỉ còn 5 trên tổng số hơn 40 xe được vận hành. Lái xe và công nhân viên của DN này phải nghỉ việc hàng loạt. Với 5 xe đang hoạt động, mỗi xe cũng chỉ có từ 2- 4 khách/chuyến. Chạy như vậy đương nhiên là lỗ. Vào lúc này, nhà xe mà đông khách có khi lại có tội, bởi người dân di chuyển nhiều, có thể sẽ mang mầm bệnh lây lan đi khắp nơi, đại diện DN này nói.
Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết, hiện đã tạm dừng khoảng 80% hoạt động. Trong số các xe còn hoạt động, lượng khách cao nhất trên mỗi xe cũng chỉ đạt khoảng 20%. Chạy cũng chết mà không chạy cũng chết.
Đợt bùng phát dịch Covid-9 lần thứ 4 này, ảnh hưởng nặng nề nhất so với những lần trước. Dịch bùng phát ở nhiều tỉnh thành khác nhau và số lượng ca nhiễm trong mỗi tỉnh nhiều. Biến chủng mới làm dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Do đó, tác động lên các DN vận tải hành khách nặng nề hơn. DN ít nhất cũng phải tạm dừng 70% hoạt động. Lượng khách trên mỗi chuyến xe cao nhất cũng chỉ đạt được khoảng 30% số ghế. Các DN vận tải hành khách, vốn đã kiệt quệ sau nhiều lần phải "treo xe" vì dịch, nay lại tiếp tục hứng chịu hậu quả nặng nề.
Các DN sản xuất hàng xuất khẩu như: dệt may, da giày, điện tử,... cho biết, bên cạnh tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 khiến họ có thể phải ngừng hoạt động khi dịch bùng phát ở các khu công nghiệp còn đang chịu tác động gián tiếp khá nghiêm trọng. Đó là thiếu container để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. Điều này ảnh hưởng đến thời gian giao hàng và khiến cho sản xuất không đạt công suất.
Cần chính sách hiệu quả
Sự phục hồi kinh tế đang diễn tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid -19 lần thứ 4. Đây là nhận định trong báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra ngày 17/5/2021.
Hầu hết các chỉ số kinh tế tháng 4/2021 của Việt Nam đều ở mức tốt. Đặc biệt là sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với chỉ số tăng tới 24,1% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số bán lẻ tăng trở lại, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt kết quả tốt, tín dụng tăng trưởng nhanh…
Tuy nhiên, WB cảnh báo, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 từ cuối tháng 4 năm nay, buộc Chính phủ phải nhanh chóng ứng phó bằng việc áp dụng các biện pháp hạn chế. Đợt bùng phát dịch lần này sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ, các chuyên gia của WB nhận định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quý 1/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc, phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và giảm thu nhập.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tình hình hiện nay, Chính phủ cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn. Cùng với đó là đưa ra các giải pháp tăng cường hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho DN và người dân bị ảnh hưởng.
Cần duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ DN gặp khó khăn, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, dịch vụ... Bên cạnh đó, tránh tăng các loại thuế, phí trong năm 2021 và tính toán lại việc miễn giảm thuế cho DN. Hiện nay, nhiều DN phải hoạt động cầm chừng nên thu nhập giảm, do vậy việc miễn, giảm thuế thu nhập DN chưa thực sự đem lại hiệu quả. Thay vì vậy, để kích thích tiêu dùng trong dân, giúp DN tiêu thụ sản phẩm thì nên giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), từ đó tạo thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Trần Thủy