Bất chấp sức khỏe người tiêu dùng đạo đức kinh doanh, nhiều gian thương sẵn sàng chế biến mỡ bẩn, thu gom khẩu trang y tế đã dùng rồi đem bán ra thị trường kiếm lời.
Rùng mình công nghệ chế biến mỡ siêu bẩn
Từ lâu, cái tên mỡ Bình Lương khiến nhiều người dân Hưng Yên khiếp sợ vì độ bẩn và sự kém chất lượng. Nhiều lò mỡ ở đây chuyên thu mua mỡ bẩn tại các chợ, cơ sở giết mổ heo, bò rồi chế biến thành tóp mỡ, mỡ nước rồi bán cho các nhà hàng, quán ăn. Quy trình chế biến mỡ rất mất vệ sinh, mỡ được vứt ngay tại nền nhà cáu bẩn, thùng đựng mỡ gỉ sét.
Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua những loại mỡ có nguồn gốc không rõ ràng. Không nên dùng những loại tóp mỡ bán ngoài thị trường.
Mỡ bẩn nếu chế biến không hợp vệ sinh, dụng cụ không đảm bảo sẽ dễ làm các vi khuẩn xâm nhập, gây buồn nôn, đau bụng. Nếu mỡ đã bị ôi thiu thì lượng độc tố khi nung lên vẫn còn, tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến ung thư.
Gom hàng trăm kg khẩu trang y tế đã dùng đem bán
Lực lượng Quản lý thị trường vừa phát hiện 2 cơ sở ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có hành vi tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng để đưa ra thị trường tiêu thụ với số lượng hàng trăm kg.
Khẩu trang y tế đã qua sử dụng chuẩn bị được tái chế. |
Trước đó, ngày 19/2, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn, phát hiện 620 kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng.
Theo các chuyên gia, số lượng lớn khẩu trang đã sử dụng như thế này chỉ có thể thu gom tại bệnh viện, nguy cơ phát tán mầm bệnh ra thị trường nếu tái sử dụng là rất cao.
Hải sản cao cấp giảm giá mạnh, bán đầy chợ
Nhiều loại thủy, hải sản bán ở chợ như cá chạch, cá chim, cá trắm hiện giảm giá tới 1/2 so với trước Tết, còn 90.000-100.000 đồng/kg; tôm sú 250.000 đồng; cá điêu hồng 45.000 đồng/kg; cá thác lác 110.000 đồng/kg.
Tại các vựa thủy, hải sản, các loại tôm, cua, ốc... cũng giảm khoảng 50% so với trước. Đơn cử, bạch tuộc lớn giảm còn 370.000 đồng/kg, sò dương 220.000 đồng/kg, tôm hùm xanh 650.000 đồng/kg, ốc hương biển loại lớn 550.000 đồng/kg, cá mú 300.000 đồng/kg, ghẹ 390.000 đồng/kg, cá tầm 270.000 đồng/kg, sò huyết 300.000 đồng/kg...
Không chỉ thủy, hải sản trong nước mà hàng ngoại nhập cũng giảm tương tự. Chẳng hạn, tu hài Canada giảm còn 800.000 đồng/kg, sò điệp Nhật 600.000 đồng/kg, hàu Mỹ 100.000 đồng/kg, tôm hùm Alaska 750.000 đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc 1 triệu đồng/kg, cá bơn Hàn Quốc 550.000 đồng/kg...
Giá lợn hơi giảm mạnh nhưng bán lẻ quá đắt
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở nước ta đã giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg.
Dù giá lợn hơi đã giảm mạnh, song giá thịt lợn tại chợ dân sinh và siêu thị vẫn rất đắt đỏ, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề đang nằm ở khâu trung gian, phân phối nên giá thịt lợn vẫn neo cao. Các thương lái đang ăn lãi quá cao.
Xăng rẻ nhất 10 năm, giá gas giảm kỷ lục
Ngày 29/3, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mạnh giá xăng dầu với mức giảm rất sâu.
Sau giảm giá, giá xăng E5RON92 không cao hơn 11.956 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 12.560 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 11.259 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 9.141 đồng/lít.
Cùng với giá xăng, từ ngày 1/4, giá gas bán lẻ sẽ giảm 69.000-71.000 đồng/ bình 12 kg, tùy thương hiệu. Đây là mức giảm kỷ lục của giá gas trong nhiều năm qua.
Ít chuyến, vé máy bay TP.HCM - Hà Nội tăng giá 5 lần
Giá vé khứ hồi trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội đang tăng cao do các hãng bay chỉ được khai thác một chuyến khứ hồi mỗi ngày vì dịch Covid-19.
Giá vé khứ hồi trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội những ngày đầu tháng 4 đang tăng cao. |
Lượng chuyến bay giảm xuống mức tối thiểu đã khiến cung không đủ cầu, giá vé tăng gấp 5 lần so với trước đó 1 tháng. Giá vé lên tới 6-7,8 triệu đồng cho vé khứ hồi.
Kể từ 6/4 tới hết tháng 4, giá vé cũng giảm nhẹ nhưng vẫn dao động ở mức 4,5-5,3 triệu đồng cho vé khứ hồi. Nhiều chuyến bay thậm chí chỉ còn vé thương gia với mức giá trên 11 triệu đồng khứ hồi.
Đổ xô mua máy chiếu, thiết bị khử khuẩn điện thoại di động
Để phòng chống dịch Covid-19, các rạp chiếu phim tạm dừng hoạt động. Trong lúc nghỉ dịch, giới trẻ lập tức săn lùng, tìm mua các loại máy chiếu để về xem phim tại gia.
Đa phần khách chọn mua dòng máy có phân khúc tầm trung dao động khoảng 2-4 triệu đồng. Các loại máy chiếu mini giá từ 500.000-1.000.000 đồng cũng được nhiều người lựa chọn.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh doanh đã đưa ra thị trường các thiết bị khử khuẩn điện thoại di động và đang được rất nhiều người tìm mua để phòng tránh virus SARS-CoV-2. Các thiết bị khử khuẩn có khá nhiều loại được bán với giá từ vài trăm tới khoảng 1 triệu đồng.
Song giới chuyên môn cảnh báo hầu hết các thiết bị đang bán trên thị trường đều chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng về tính năng diệt khuẩn.
Giá gà tụt dốc, người nuôi 'thắt ruột' bán lỗ trăm triệu
Sau khi có dấu hiệu tăng nhẹ vào cuối tháng 2, khoảng một tuần lại đây, giá gà lông màu, gà mía lai thả vườn lại xuống mức cực thấp.
Gà màu thả vườn được nuôi tại các tỉnh trung du miền núi với số lượng lớn. |
Gà công nghiệp lông trắng giá từ 25.000-26.000 đồng/kg. Gà lai mía, gà ri lai với giá từ 40.000-45.000 đồng/kg. Đắt nhất là gà ri ta, gà mía giá 90.000 đồng/kg.
Dù giá gà tại các trang trại giảm mạnh, nhưng tại nhiều chợ truyền thống trên địa TP Hà Nội, thịt gà vẫn được các thương lái bán giá cao. Cụ thể, giá thịt gà công nghiệp giá 50.000-55.000 đồng/kg, gà thả vườn 90.000-100.000 đồng/kg, gà ta 120.000-130.000 đồng/kg.
Nông dân khóc ròng vì tiêu, điều rớt giá thê thảm
Hiện giá tiêu tại Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ giảm trên diện rộng, chỉ còn 34.000 -35.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính khiến giá tiêu giảm, theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) là do cung vượt cầu.
Hạt điều cũng chung cảnh ngộ. Giá hạt điều tươi được thương lái thu mua tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai hiện chỉ 18.000-19.000 đồng/kg. Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc giao dịch rất ít, thị trường phương Tây cũng khá trầm lắng. Những mặt hàng cấp thấp thì hầu như không có người mua.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)