Phúc Khoa có hơn 400 ha chè Shan, vùng chè nổi tiếng của Lai Châu, mỗi năm SX trên 4.000 tấn búp tươi. Bước vào vụ chè năm nay, giá chè bán rẻ như cho…
Xã Phúc Khoa cửa ngõ của huyện Tân Uyên, nơi có đông đồng bào huyện Phúc Thọ (tỉnh Hà Tây cũ) lên xây dựng vùng kinh tế mới sau năm 1975.
Tập kết chè trên đồi trước khi mang đi bán. Ảnh: Thái Sinh. |
Cây chè được bà con trồng vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay tổng diện tích chè của Phúc Khoa có 401,8 ha, trong đó có 371,5 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi năm 2019 đạt 3.874 tấn, 6 tháng đầu năm 2020 đã thu hái được 1.923 tấn, tăng 126 tấn so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó diện tích lúa nước Phúc Khoa chỉ có 207,1 ha, sản lượng thóc hàng năm 2.004 tấn, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.250 tấn. Do đó, cây chè là cây trồng chính, nguồn thu chủ yếu của người dân...
Bước vào vụ chè năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá chè xuống thấp thảm hại. Anh Kim Văn Tân, giám đốc HTX Trà Tân Tiến cho hay: Chè của HTX Tân Tiến nhiều năm nay xuất khẩu trực tiếp sang các nước Trung Đông, chưa năm nào giá lại thấp như năm nay.
Từ đầu năm đến giờ, HTX mới xuất được 18 container, khoảng 400 tấn, giá xuất 2,05 USD/kg, năm ngoái giá xuất 2,2 - 2,38 USD/ kg. Tính ra năm nay mỗi container mất khoảng 200 triệu so với năm 2019…
Anh Kim Văn Tân - GĐ HTX Trà Tân Tiến - kiểm tra chè trên băng chuyền. |
HTX Trà Tân Tiến mỗi năm thu mua, chế biến khoảng 600-700 tấn chè khô, xuất khẩu trên 30 container, nhưng năm nay giá chè XK thấp, thị trường nhiều biến động nên HTX vừa SX vừa nghe ngóng thị trường quốc tế và trong nước.
Do giá xuất khẩu thấp nên giá mua chè búp tươi của nông dân cũng thấp kỷ lục. Chị Hà Thị Liên, bản Ngọc Lại, cho biết: Nhà tôi có hơn 3.000m2 chè, mỗi năm hái 6 lứa, mỗi lứa được 800 kg - 1,2 tấn, tính ra một năm thu khoảng 5 tấn.
Chưa năm nào giá rẻ như năm nay, đầu vụ giá chè 6.500đ/kg, nay chỉ còn 5.500đ/kg, nhưng phải trừ nước, tính ra chỉ được 5.000đ/kg. Rẻ quá, nhưng không bán không được.
Theo chị Liên, nếu hái trời mưa thì cơ sở chế biến trừ 25% thủy phần, nếu chè già trừ thêm 8% nữa, mỗi bao chè trừ 1kg bao bì, tiền thuê máy cắt 1.000đ/kg, tính ra mỗi kg chè thực thu về khoảng 3.500- 4.000đ.
Bà con kêu trời vì giá chè thu mua quá rẻ, nhưng chè đến lứa không hái không được, nên cũng đành nhắm mắt hái, bán được đồng nào hay đồng ấy để trả tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Những năm trước Cty Trà Tân Uyên cho người lên đây mua, bà con thấy ai mua giá cao thì bán, còn năm nay Cty Trà Tân Uyên họ cũng đủ chè làm, nên chẳng biết bán cho ai được…
Đồi chè Shan xã Phúc Khoa. |
Đi dọc đồi chè các thôn Nà Lại, Ngọc Lại và Phúc Khoa, một vùng chè đẹp mê hồn, do trồng bằng giống chè Shan trên độ cao 700-800m so với mặt nước biển, tiểu vùng khí hậu núi cao ngày nóng đêm lạnh, nên chất lượng chè Phúc Khoa thơm ngon nổi tiếng, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Chè của Phúc Khoa những năm qua SX ra bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu, nhiều “đại gia” chè của Phú Thọ, Hà Nội đặt cơ sở thu mua chè thành phẩm ở đây, sau khi đóng gói họ dán nhãn hiệu Cty chè của họ.
Chưa năm nào giá chè búp tươi lại rẻ như cho như năm nay. Anh Lò Văn Ngắm, dân tộc Khơ Mú bản Nà Lại cho biết: Gia đình tôi có 7.000 m2 chè mới trồng, bắt đầu được thu hái được hai năm nay, mỗi lứa thu được khoảng 7 tạ, tính ra một năm thu khoảng 4,5 tấn.
Năm ngoái giá bán trung bình 5.500- 6.500đ/kg nên thu nhập cũng khá, nhưng năm nay giá thực chỉ được 5.000đ/kg. Đấy là vợ chồng anh còn mượn máy cắt chè của bố vợ, chứ nếu thuê thì chắc chỉ còn hơn 3.000đ/kg, đủ mua tiền phân bón và công lao động, lãi lời chả được đồng nào…
Điểm thu mua chè của HTX Trà Tân Tiến. |
Đem sự thắc mắc của bà con trao đổi với anh Kim Văn Tân, anh Tân thành thật: Mỗi năm tôi thu mua của bà con trên 3.000 tấn chè búp tươi, các cơ sở chế biến ở đây ai cũng muốn mua giá cao cho bà con, nhưng chúng tôi SX ra cũng không có đầu ra, thị trường thế giới và trong nước đang phập phù như thế này nên chẳng ai dám mạo hiểm mua giá cao. HTX Tân Tiến đang vay ngân hàng 10 tỷ, khách hàng nợ chừng ấy, nên khó nâng giá thu mua cho bà con được…
Em vợ anh Kim Văn Tân cũng là chủ cơ sở chế biến, hiện đang “ôm” khoảng 30 tấn chè khô chưa bán được. Nếu tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới chưa thay đổi thì giá mua chè búp tươi khó nhích lên được.
(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)