Ngày 19/11, VinGroup tuyên bố khởi công dự án Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh với công suất lên tới 125 triệu máy. Đáng chú ý, trong thông cáo báo chí của VinGroup có đoạn: Nhà máy VinSmart sẵn sàng sản xuất không chỉ điện thoại mang thương hiệu Vsmart mà còn có thể sản xuất thuê cho các hãng điện thoại hàng đầu trên thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng.
'Đặc biệt chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng gia công từ các đối tác lớn từ châu Âu và Mỹ. Đó là lý do chúng tôi, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy với công suất lớn gấp 25 nhà máy hiện có tại Hải Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế", ông Nguyễn Việt Quang (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup) khẳng định.
Trước thông tin này, cộng đồng công nghệ tại Việt Nam đang chia làm 2 luồng quan điểm trái chiều. Một bên là những người tỏ ra hào hứng trước sự kiện với niềm hy vọng rằng đây sẽ là cột mốc đáng chú ý cho nền công nghệ Việt. Luồng ngược lại cho rằng lắp ráp smartphone thì không có gì đáng tự hào…
Với những người thuộc nhóm thứ hai, hãy cùng nhìn nhận vấn đề này: Trước khi Huawei hay Xiaomi vươn lên vị trí như ngày nay, Trung Quốc được biết đến với vai trò gì trong thị trường công nghệ toàn cầu? Dĩ nhiên, không nói thì ai cũng biết – Trung Quốc là "công xưởng" của thế giới.
Hãy nhìn vào vị trí của các hãng điện thoại Trung Quốc trên thị trường quốc tế hiện tại. Top 6 các hãng đứng đầu về thị phần có tới 4 hãng đến Trung Quốc – Huawei, Xiaomi, OPPO, Vivo. Các thương hiệu con của tập đoàn BBK (OPPO, Vivo, OnePlus và Realme) cộng lại đạt thị phần gần ngang ngửa Samsung. Một hãng mới nổi gần đây là Realme chỉ mất 1 năm để đạt doanh số 10 triệu máy. Huawei mất vỏn vẹn nửa thập kỷ để lọt vào top 5 thế giới, vượt mặt những tên tuổi đi trước trong lĩnh vực smartphone Android như LG, Sony và HTC.
Đó có phải là điều tình cờ? Tại sao các tên tuổi Trung Quốc lại có thể tràn ngập top 5 và các quốc gia khác chỉ còn lại 2 đối thủ duy nhất có lợi thế đặc biệt (Apple là kẻ đã khai phá trào lưu "modern smartphone" còn Samsung là kẻ đã cùng Google "đại chúng hóa" chiếc modern smartphone)? Tại sao khi so giữa Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số cùng hơn 1 tỷ thì Trung Quốc lại chiến thắng, dù rằng Ấn Độ có nền dân số "high tech" hơn hẳn? Một lần nữa, câu trả lời vẫn quá dễ dàng: ở vị thế công xưởng thế giới, Trung Quốc có lợi thế trong cuộc cách mạng phần cứng chớp nhoáng và sâu rộng nhất mà loài người từng chứng kiến.
Nói một cách đơn giản, hạ thấp một hãng smartphone vì hãng đó nhận gia công có thể coi là cái nhìn thiếu công bằng. Có thể một hãng lắp ráp không phải là người trực tiếp tạo ra các linh kiện, không nắm chất xám trong phần mềm, nhưng quản lý công đoạn lắp ráp (và kiểm tra chất lượng) chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Muốn biết công việc ấy khó khăn đến thế nào, hãy nhìn vào những hãng lắp ráp khác - có phải kẻ nào cũng thành công? Hãy tự hỏi vì sao thế giới chỉ có một vài tên tuổi đứng được cùng hàng ngũ với Foxconn, Pegatron, Compal...?
Mỗi năm, con số smartphone bán ra tại mảnh đất hình chữ S: chỉ đạt từ 10 - 20 triệu chiếc, tức khoảng một nửa số iPhone, 1/3 số smartphone Samsung bán ra trên toàn cầu trong quý 3 vừa rồi. Cứ cho rằng chúng ta có sáng tạo nào đó để tạo ra smartphone bản sắc Việt, đến cuối cùng các thương hiệu smartphone Việt sẽ chỉ chiếm được một phần nhỏ bé trong miếng bánh rất nhỏ bé ấy. Chưa kể, câu chuyện sáng tạo vẫn còn là giấc mơ xa vời: nếu Apple, Samsung hay Google còn không thể tạo ra những cú sốc để phá vỡ thế bế tắc của thị trường smartphone hiện tại, smartphone Việt làm sao có thể mơ đến đột phá gì đó để đặt chân ra toàn cầu và cạnh tranh sòng phẳng với những người khổng lồ?
Nói một cách hoàn toàn thực tế, nếu không đi theo con đường gia công cho các hãng quốc tế, ngành công nghiệp smartphone Việt Nam có thể sẽ mãi mãi nhỏ bé, sẽ mãi chìm trong những lời chỉ trích xa rời thực tế và những giấc mơ viển vông. Còn nếu gia công, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều lợi ích - đầu tiên và dễ thấy nhất là doanh thu xuất khẩu và việc làm cho người Việt. Chúng ta có quyền hy vọng những gì Samsung Việt Nam đã làm được sẽ được VinGroup tái hiện – dù chỉ là một phần, hay nhiều hơn thế nữa.
Tiếp đến, trong bối cảnh chiến tranh thương mại dâng cao, rất nhiều hãng smartphone đang tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác. Việt Nam là một đích đến. VinGroup có vẻ đã bắt tay được với nhiều đối tác lớn, và chắc chắn các đối tác này cũng sẽ dịch chuyển thêm các thành phần khác của chuỗi cung ứng về Việt Nam về gia tăng năng suất và giảm chi phí. Điều này có nghĩa rằng, người Việt Nam có quyền tin nhà máy mới sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm, đem đến nhiều khoản vốn đầu tư bên ngoài Vsmart.
Lợi thế về chuỗi cung ứng sẽ có ý nghĩa tối quan trọng trong tương lai. Vấn đề lớn nhất của ngành sản xuất thiết bị tại Việt Nam đã luôn là thiếu nguồn cung linh kiện, dẫn đến giá thành tăng cao. Một chuỗi cung ứng quy mô hàng chục hay hàng trăm triệu máy sẽ giúp giá thành từng đơn vị linh kiện giảm xuống. Câu chuyện muôn thuở về những startup sáng tạo phải bỏ dở ý tưởng vì giá thành linh kiện quá cao do phải nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm bớt.
Dần dần, Việt Nam sẽ có thêm một công ty nữa với dây chuyền sản xuất cao cấp và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Nếu như VinGroup thực sự đạt được mục đích của mình, Việt Nam sẽ tiến thêm một bước để trở thành đối thủ của Đài Loan, Trung Quốc hay Ấn Độ trong lĩnh vực gia công. Và như vậy, Việt Nam sẽ gần như giải được một nửa bài toán "thiết bị hi-tech".
Thực tế, bài toán thiết kế/sản xuất smartphone (hay tablet, laptop và smartTV) có thể chia làm 3: cung ứng linh kiện, thiết kế/sản xuất phần cứng và thiết kế/triển khai phần mềm. Trong lĩnh vực đầu tiên (linh kiện), có thể nói rằng chẳng có hãng nào có lợi thế do chuỗi cung ứng toàn cầu giờ đã được chia cho một số ít tên tuổi nhất định. Ví dụ, Sony cung ứng cảm biến camera, Samsung cung ứng màn hình/RAM/chip, Qualcomm thiết kế chip, TSMC gia công chip v...v...
Các hãng vì thế tập trung vào 2 mảng còn lại để cạnh tranh lẫn nhau. Việc sở hữu một hãng gia công lớn chắc chắn sẽ giúp tạo nên lợi thế cho mảng phần cứng – một lần nữa, các hãng smartphone Trung Quốc là minh chứng rất rõ ràng. Còn trên mảng phần mềm, VinGroup trong năm vừa qua đã thực hiện nhiều bước tiến, trong đó có việc thành lập phòng nghiên cứu VinAI. Tiềm lực của tập đoàn này đủ để xây dựng một đội ngũ phát triển phần mềm ngang ngửa với các đối thủ Trung Quốc.
Nói tóm lại, sự xuất hiện của "siêu nhà máy" Vsmart mang tiềm năng thay đổi vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Smartphone không phải là tất cả những gì một công ty công nghệ cần theo đuổi. Nhưng một khi đã giải được bài toán smartphone, Vsmart sẽ có tiền đề rất tốt để mở rộng sản xuất tablet, smart TV và đặc biệt là các thiết bị IoT. Tất cả những gì VinGroup cần bây giờ, chỉ là biến những viễn cảnh hứa hẹn trở thành hiện thực huy hoàng mà thôi.