Chênh lệch địa tô rất lớn
Theo Thanh tra Chính phủ , UBND TP Hồ Chí Minh đã sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân 26 triệu đồng/m2 không đầy đủ, thiếu chính xác để tính tiền sử dụng đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT đã được chỉ định đầu tư tại khu đô thị mới Thủ Thiêm ; ngoài ra Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố còn phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng/m2, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu. Địa phương này áp đơn giá nêu trên do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch gồm: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông Sài Gòn, Khu lâm viên sinh thái phía Nam, 6 trường công lập và 5 cây cầu nối từ Trung tâm thành phố qua KĐTM Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định: “Việc UBND thành phố và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong KĐTM Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định. Hơn nữa, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND thành phố đã không tính lãi (hơn 10 nghìn tỷ đồng) đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước.
TTCP cũng chỉ rõ, nguyên nhân xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên là do lãnh đạo UBND thành phố không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: Không lập các dự án theo thứ tự ưu tiên để trình duyệt theo quy định; Cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính KĐTM Thủ Thiêm , chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định… Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT.
TTCP đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân là 17.042 tỷ đồng. Đồng thời cần giao cho cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm, thất thoát thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Dân bức xúc
Trong khi chính quyền thành phố dành nhiều ưu ái cho các nhà đầu tư, thì ngược lại, không ít người dân Thủ Thiêm bị thu hồi đất song không được bố trí nơi ở, họ phải sống lang bạt nhiều năm qua, không ít người đã khóc nghẹn mỗi lần phát biểu tại các cuộc tiếp xúc cử tri.
Qua kiểm tra công tác quy hoạch và bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, bố trí tái định cư tại dự án này, TTCP phát hiện trong phạm vi 5 phường (ngoài ranh khu đô thị mới), mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 160 ha, nhưng UBND TPHCM đã giao phần lớn đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng… Hậu quả của việc này là không có đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Tổng diện tích đất đã được UBND TPHCM quy hoạch, bố trí tái định cư phục vụ cho KĐTM Thủ Thiêm đúng theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt thuộc 5 phường là 46,1 ha, vậy còn thiếu 113,9 ha chưa được quy hoạch, bố trí tái định cư nhưng TPHCM không báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - kết luận thanh tra chỉ rõ.
Đáng chú ý, tại khu tái định cư 38,4 ha thuộc KĐTM Thủ Thiêm, thanh tra phát hiện 1 dự án tái định cư đã được nhà đầu tư thay đổi thiết kế “hô biến” thành nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng 1.122/1.228 căn hộ.
Thanh tra Chính phủ nhận định: “Những việc làm trên thể hiện công tác quản lý sử dụng đất bị buông lỏng, giao đất tràn lan cho các dự án...”.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, chiều 27/6, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã vào TPHCM để chuẩn bị công bố kết luận thanh tra.