Chênh lệch giới tính cao nhất cả nước
Theo báo cáo, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2019 vẫn ở mức cao, khoảng 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 bé gái sinh ra sống. Trong khi đó, tỷ số thông thường ở mức 104-106 bé trai trên 100 bé gái.
Đồng bằng sông Hồng có sự chênh lệch cao nhất, khoảng 115,5; tăng nhẹ so với mức 115,3 vào năm 2009. Bên cạnh đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng 10 năm giảm từ 109,9 xuống còn 106,9.
Các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tập trung ở miền Bắc, gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La.
Báo cáo đánh giá, để đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 111 bé trai/100 bé gái vào năm 2025, và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ là thách thức rất lớn.
Theo các nhà nghiên cứu, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do một số nguyên nhân như: sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai, để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền.
Đồng thời, việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai, hoặc chuẩn đoán giới tính thai nhi, dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính. Ngoài ra, việc hạn chế mức sinh cũng làm tăng lựa chọn giới tính khi sinh.
Báo cáo cho biết, tháp dân số của Việt Nam trong 10 năm qua, đã có sự thu hẹp dần của nhóm từ 10 đến 24 tuổi. Cả nước dù vẫn trong giai đoạn dân số vàng, song tỷ trọng dân số các nhóm tuổi già đang tăng dần, phản ánh quá trình già hóa dân số.
Tuổi thọ nữ giới cao hơn
Tuổi thọ của người Việt Nam xấp xỉ 74. Song mức tử vong của nam thường cao hơn nữ ở mọi độ tuổi, nên tuổi thọ của nam bình quân chỉ đạt 71 so với nữ là trên 76.
Do đó, hàng triệu phụ nữ cao tuổi nhiều khả năng rơi vào tình trạng sống một mình, nên các chương trình bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe cần tổ chức tốt hơn để chăm sóc người cao tuổi tại nhà, đặc biệt là nông thôn và vùng nghèo.
Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới lần đầu tiên xây dựng tại Việt Nam, còn chỉ ra nhiều chênh lệch về giới trong lĩnh vực lao động, giáo dục, y tế... Báo cáo do UN Women cùng nhiều cơ quan thực hiện, Tổng cục Thống kê hỗ trợ, trong vòng 9 tháng, từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021.
Ngày 26/10, phát biểu tại buổi lễ “Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021”, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam thông tin, bình đẳng giới không còn là vấn đề phụ hay bên lề, mà đã trở thành cốt lõi với những tiến bộ từ thành quả phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Bà Elisa Fernandez Saenz khuyến nghị, nếu muốn phát triển bền vững cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới.
Nam giới Đồng bằng sông Hồng có nguy cơ "ế" vợ cao?
Tháng 4/2021, tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo, khoảng 4 triệu đàn ông Việt sẽ không thể lấy vợ vào năm 2050, do tỷ số giới tính khi sinh hiện nay ở nước ta đang mất cân bằng nghiêm trọng. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng lại dẫn đầu cả nước về sự chênh lệch này.
Thực tế, trong một vài năm trở lại đây, tình trạng các thanh niên đến tuổi lập gia đình khó lấy vợ cũng đã xảy tại nước ta, trong một vài năm trở lại đây, nhưng chưa phải mức báo động.
Tuy nhiên, trong khoảng 20 - 25 năm tới, Việt Nam sẽ thấy rõ được hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Vì hậu quả của việc này sẽ không đến ngay lập tức. Giả sử năm nay mất cân bằng giới tính khi sinh thì hậu quả chưa xảy ra ngay trong năm nay, mà phải từ 20 - 25 năm tới, khi họ đến tuổi xây dựng gia đình thì mới thấy rõ hệ lụy từ việc này.