Kiểm toán Nhà nước kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác đấu thầu thuốc tập trung ở Hà Nội.
Trong văn bản gửi tới Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TP. Hà Nội làm rõ lý do lựa chọn các loại thuốc biệt dược có giá cao hơn các loại thuốc gốc (Generic) có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, thể tích, dạng bào chế... làm tăng chi phí chữa bệnh của bệnh nhân và tăng chi quỹ bảo hiểm y tế.
Qua đấu thầu tập trung thuốc năm 2017, 2018 tại TP. Hà Nội, cơ quan kiểm toán đã lựa chọn 18 mặt hàng thuốc có cùng hoạt chất, hàm lượng, hạn dùng, nhóm nhưng khác dạng bào chế để so sánh thì chênh lệch hơn 17 tỷ đồng và lựa chọn 20 mặt hàng thuốc giữa gói biệt dược với gói Generic (nhóm 1) để so sánh, chênh lệch trên 165 tỷ đồng.
Lo chi phí chữa bệnh tăng, Kiểm toán đặt dấu hỏi về đấu thầu thuốc ở Hà Nội |
Ngoài ra, Kiểm toán kiến nghị khi xác định số lượng thuốc đấu thầu cần xây dựng nhu cầu sát với sử dụng tránh tình trạng các cơ sở y tế không ký kết hợp đồng mua thuốc hoặc không thực hiện đúng cam kết về số lượng đã đề xuất. Theo báo cáo kết quả đấu thầu thuốc tập trung 2017 nhiều bệnh viện thực hiện mua sắm thuốc với kết quả rất thấp so với đề xuất của chính bệnh viện khi xây dựng kế hoạch dự thầu như đã nêu trên.
Cơ quan này cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của cá nhân, tập thể có liên quan trong việc chấm thầu đấu thầu thuốc tập trung năm 2017, 2018 tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.
Lý do là trong quá trình chấm thầu giấy phép lưu hành sản phẩm hết hạn, hồ sơ làm rõ nhưng không đủ điều kiện trong hồ sơ mời thầu. Ngoài ra, dạng bào chế một số mặt hàng trong hồ sơ kỹ thuật dự thầu cao hơn hồ sơ mời thầu nhưng không ghi vào báo cáo, quyết định trúng thầu không cập nhật dạng bào chế, số đăng ký lưu hành sản phẩm gia hạn theo hồ sơ tham dự thầu. Dạng bào chế trong hồ sơ kỹ thuật thuốc dự thầu không đáp ứng trên hồ sơ mời thầu nhưng đơn vị vẫn chấm trúng thầu.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, báo chí đặt câu hỏi: Một vấn đề Chính phủ chỉ đạo 3 năm nay không được giải quyết là: Bộ Y tế và Bảo hiểm Việt Nam phải tính toán để đưa thuốc biệt dược hết hạn bảo hộ phải đấu thầu chung, cùng sân với thuốc generic nhóm 1. Vì chưa được thực hiện nên mỗi năm, ngân sách lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng trong khi người bệnh chưa tiếp cận được thuốc tốt. Vậy vấn đề này giải quyết thế nào? Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trả lời: Bộ Y tế khẳng định hiện tại Việt Nam so với các nước ASEAN, giá thuốc thuộc hàng rẻ nhất. Biệt dược gốc của chúng ta có giá 0,9 so với trung bình, biệt dược là 0,56. Giá thuốc đã được thực hiện chính sách bình ổn giá, khống chế giá rất tốt. Liên quan đến các văn bản đã được ban hành, biệt dược gốc đang nằm trong nhóm riêng, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi, hoàn thiện Thông tư 09, trong đó tăng cường danh mục đặc biệt đối với các biệt dược gốc hết bản quyền. Sau khi ban hành, giá biệt dược gốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục được điều chỉnh. Thông qua Trung tâm đấu thầu quốc gia, những năm qua Việt Nam đã giảm giá một số loại thuốc, thực hiện đấu thầu tập trung cho nhiều loại thuốc, trong đó có biệt dược, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. |
Hà Duy