Một chỉ số đáng lưu ý khác của lao động Việt Nam là tỉ lệ lao động phi chính thức chiếm đến 55% tổng lực lượng lao động. Lực lượng này thường không có hợp đồng lao động và khả năng được bảo hiểm xã hội rất hạn chế. Trình độ kỹ năng là một trong những điểm lao động Việt Nam cần khắc phục để vươn lên sánh ngang với các thị trường khác. Mặc dù có tỉ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%) nhưng số lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%, gần như không đổi so với 3 năm trước.
Các kỹ năng mềm, trong đó có khả năng ngoại ngữ, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng ở hầu hết các ngành nghề, bên cạnh tiếng Anh là một số ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động. Tỉ lệ này là khá thấp so với các quốc gia không nói tiếng Anh trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%). Báo cáo cũng tiết lộ mức thu nhập bình quân của lao động Việt Nam hiện là 275 USD (tương đương với 6.545.000 đồng). Đây là mức chi phí lao động tương đối hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng lao động, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.