Theo đó, tổng số thu ngân sách trung ương là 810.099 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Theo lĩnh vực, ngân sách Trung ương dành chi trả nợ lãi 121.900 tỷ. Chi thường xuyên 454.748 tỷ, trong đó chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể 47.616 tỷ đồng.
Số tiền chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là 16.200 tỷ đồng.
Không được dư thừa vốn
Tại nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang.
Nghị quyết nêu rõ, trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ.
Điều hành kinh phí chi trả phí phát hành trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2019 được Quốc hội quyết định.
Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương. Bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi. Kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định, xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Bố trí trả nợ đầy đủ
Báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận có ý kiến đề nghị Chính phủ cần thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu các khoản nợ của ngân sách nhà nước, xây dựng phương án thanh toán nợ cụ thể, bố trí vốn thanh toán theo đúng chủ trương và kế hoạch đề ra. Có chế tài xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc kéo dài thời gian không giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, về các khoản nợ Chính phủ, Chính phủ bảo lãnh, khoản nợ bảo hiểm xã hội, các khoản nợ chính sách, trong thời gian qua, mặc dù thu ngân sách Trung ương khó khăn, nhưng Chính phủ đã bố trí chi hàng năm ưu tiên chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn. Báo cáo dự toán ngân sách năm 2019 trình Quốc hội đã báo cáo phương án chi trả khoản nợ 22.000 tỷ đồng của bảo hiểm xã hội, từ năm 2018, bố trí trả nợ dần, cả gốc và lãi. Đối với các khoản trả gốc, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội việc chi trả đầy đủ, đúng hạn.
Về nợ đọng xây dựng cơ bản, theo báo cáo của Chính phủ, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí 9.069,305 tỷ đồng để thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xác nhận, đúng như các đại biểu đã nêu, nợ xây dựng cơ bản chưa xử lý được dứt điểm, đến hết năm 2018 còn lại khoảng 2.800 tỷ đồng.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, giao Chính phủ: "chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản".