Nhiều người ngạc nhiên khi nhìn vào danh sách thực phẩm bà nội trợ này mua ngày Tết vì vừa nhiều, vừa ngon lại rẻ. Nếu chịu khó làm và áp dụng triệt để cách chi tiêu Tết tiết kiệm sẽ có cái Tết no đủ, ăn thoải mái.
Tết Nguyên đán 2021 sắp đến, cũng giống như nhiều bà nội trợ khác, chị Đỗ Mai Lan ở Hà Đông, Hà Nội rất lo sợ. Ngoài các khoản tiền tiêu Tết bắt buộc như: tiền lì xì, tiền biếu Tết nội ngoại, tiền mua sắm, tiền đi lại trong mấy ngày Tết, chị còn phải để dành một khoản để mua thực phẩm Tết.
Tuy nhiên, chị Lan cho hay, cứ nghĩ ăn Tết hết nhiều nhưng thực tế tiền chi ra mua thực phẩm ăn 5 ngày Tết nhà chị chẳng hết bao nhiêu.
Chị kể, năm nào chị cũng để ra khoảng 3 triệu để mua thực phẩm là có thể ăn Tết thoải mái cho gia đình 6 người lớn và 4 đứa trẻ đang học cấp 2-3. Chỉ cần chịu khó mua nguyên liệu về tự làm sẽ vừa có món ngon lạ miệng, vừa rẻ hơn nhiều so với đi mua làm sẵn bên ngoài.
Cụ thể, riêng với thực phẩm ănTết, chị Lan thường mua sắm như sau:
Tiền mua thủ lợn làm giò xào: 700.000 đồng
Với 700.000 đồng, chị Lan mua được 1 chiếc thủ lợn khoảng 6-7 kg. Mua về, chị sẽ làm sạch, luộc qua và thái riêng ra để xào làm giò thủ ăn Tết.
Giò chị Lan thường làm lấy nên vừa rẻ, vừa ngon lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm |
Với số nguyên liệu trên, chị sẽ làm được khoảng 2 chiếc giò, mỗi chiếc nặng từ 1-1,5 kg. Ăn giò tự làm vừa rẻ lại ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tiền mua mộc nhĩ: 150.000 đồng/kg
Do mua trước Tết nên chị Lan chỉ mua mộc nhĩ với giá 150.000 đồng/kg. Số mộc nhĩ này chị ngâm để gói giò, nấu canh miến hoặc làm nem những ngày Tết.
Tiền mua măng khô: 150.000 đồng/kg
Vì nhà bạn ở Nghệ An bán măng khô nên chị Lan đặt mua măng trước Tết 2 tháng chỉ với giá 150.000 đồng/kg. “Măng cứ ngâm rồi ninh để sẵn. Sau đó, mình chia thành từng bữa nhỏ và lấy sườn ra ninh từng bữa là được”, chị Lan nói.
Thịt gà là món không thể thiếu trong ngày Tết |
Tiền mua hành muối, cải thảo và nguyên liệu làm kim chi: 100.000 đồng
Tết năm nào, chị Lan cũng mua kiệu và cải thảo về làm kiệu muối chua, kim chi hoặc dưa chua ăn Tết. Những món ăn như vậy vừa rẻ, ăn đưa miệng mà không bị ngấy ngán.
Tiền mua thịt + tôm và nguyên liệu làm nem: 600.000 đồng
Cận Tết, chị Lan cũng mua khoảng 3kg thịt nạc vai và 5 lạng tôm khô. Sau đó, chị xay chung rồi cho thêm rau củ quả vào gói cả trăm cái nem, rán sơ để nguội rồi cất tủ lạnh ăn dần. Bữa nào chị Lan lấy ra rán bữa đó, vừa ngon vừa nóng hổi.
Tiền mua thịt gói giò lụa và giò bò: 1 triệu đồng
Nhiều gia đình Tết đến thường mua giò lụa, giò bò có sẵn trong siêu thị. Nhưng nhà chị Lan thường tự mua nguyên liệu về gói.
“Mình mua thịt bò tươi 2 kg, thịt lợn 3 kg và thêm mỡ bò, mỡ lợn về làm. Thêm hành, tỏi và một chút gia vị như nước mắm ngon, bột canh, bột ngọt, hạt tiêu là có hai cây giò ngon ngày Tết.
Tiền mua nguyên liệu làm mứt dừa: 300.000 đồng
Gần đây nhiều người thường mua dừa non về làm mứt dừa ăn Tết |
Tết năm nào chị Lan cũng mua dừa non về sên vài mẻ mứt ăn Tết. Ăn mứt dừa tự làm vừa ít ngọt, lại thơm ngon, đảm bảo.
“Riêng bánh chưng, thịt gà, gạo nếp ngon, lá dong thì bố mẹ chồng mình năm nào cũng có sẵn. Ngày 28-29 Tết, hai ông bà sẽ gói bánh chưng. Các con chỉ cần thịt gà sẵn để luộc cúng 30 Tết, giao thừa và mùng 1. Còn ngày mùng 2 sẽ lấy gà ra xào xả ớt hoặc mang thịt gà ra nấu đông”, chị Lan nói.
Thảo Nguyên