Tôm, cá "trở về"
Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt ngư dân Phạm Đinh ở thôn Hà Công, xã Quảng Lợi khi nguồn lợi thủy sản “ùa về” trên vùng đầm phá Tam Giang.
Trong vòng một năm nay, khi các khu rừng ngập mặn sinh trưởng tốt, làm bãi đáp, bãi đẻ lý tưởng cũng là lúc các loài thủy sản trên vùng đầm phá dồi dào.
“Cây trồng giờ cũng đã cho trái ngọt” khi rừng ngập mặn phát huy tác dụng, làm nơi trú ngụ, bãi đáp, bãi đẻ cho các loài thủy sản sinh sôi. Với chiếc thuyền máy công suất 12 CV, những ngày đầu năm, thuyền ông Đinh đánh bắt được nhiều tôm, cá có giá trị kinh tế, cho thu nhập bình quân 400-500.000 đồng/chuyến.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo thông tin, rừng ngập mặn mang lại những kết quả khả quan. Nguồn lợi thủy sản từ rừng tạo nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho ngư dân vùng đầm phá, không chỉ ở Quảng Lợi mà cả những vùng lân cận. Qua kiểm tra những ngày gần đây, các loài thủy sản như tôm, cua, tép và nhiều loài cá từ khu rừng ngập mặn “tràn ra” vùng đầm phá rất dồi dào.
Rừng ngập mặn Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) xanh tốt là bãi đáp, bãi đẻ cho thủy sản.
Riêng trong năm 2019, người dân ở xã Quảng Lợi đã trúng đậm khai thác tép trong và quanh khu rừng ngập mặn, doanh thu hơn 20 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu từ khai thác rạm, tôm, cá. Theo ông Bảo, nghề khai thác tép mang lại hàng chục tỷ đồng mỗi năm là điều từ trước đến nay chưa từng có ở địa phương.
Từ khi có rừng ngập mặn, nguồn tép trong khu rừng và quanh vùng đầm phá sinh sôi. Đây chính là cơ hội, tạo nguồn sinh kế ổn định, bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương.
RNM tạo các bãi giống, bãi đẻ, nơi trú ngụ, sinh sống an toàn cho thủy sản. Thảm cây rừng và rễ cây dày đặc ngăn cản được hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Sản lượng thủy sản ở các vùng rừng ngập mặn nhờ vậy tăng nhanh, đem lại thu nhập cao, bền vững cho ngư dân.
Mỗi đêm có trên 350 người dân xã Quảng Lợi và các xã lân cận tham gia khai thác thủy sản trong và xung quanh rừng ngập mặn, thu nhập bình quân mỗi người từ 200-300.000 đồng/đêm.
Đa mục tiêu
Không chỉ làm bãi đáp, bãi đẻ cho các loài thủy sản sinh sôi, rừng ngập mặn tạo nên những sinh cảnh đẹp ở vùng đầm phá, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Tại Quảng Điền đã hình thành nhiều tour tuyến du lịch sinh thái khám phá rừng ngập mặn, thu hút nhiều khách du lịch.
Du khách đến đây được trải nghiệm chèo thuyền tham quan rừng ngập mặn, đánh bắt tôm cá, chế biến các món ăn thủy sản dân dã của ngư dân vùng sông nước. Tuy mới bước đầu hình thành, nhưng du lịch sinh thái đầm phá kết hợp rừng ngập mặn đã thu hút nhiều du khách tham quan. Tính riêng năm 2019, ba tổ du lịch cộng đồng của xã Quảng Lợi đã đón, chở bằng thuyền hơn 10.000 lượt du khách tham quan.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Phạm Ngọc Dũng đánh giá, rừng ngập mặn có vai trò ngăn gió, giảm sóng, bảo vệ các tuyến đường ven phá, không còn tình trạng xói lở, lún sụt trong mùa mưa bão. Rừng ngập mặn ngăn chặn tuyệt đối lượng rều rác, bèo tây từ đầm phá tràn vào ruộng trong mùa lũ lụt. Rừng ngập mặn còn làm nơi neo đậu, trú tránh cho thuyền bè của cư dân đầm phá.
Cây ngập mặn trồng phân tán quanh các ao hồ nuôi thủy sản đã giúp bảo vệ an toàn cho các ao hồ, không còn bị xói lở vào mùa mưa, lũ. Trước khi chưa có đai cây ngập mặn, mỗi năm các chủ ao phải tốn từ 10-20 triệu đồng cho việc tu sửa bờ bao cho mỗi ao nuôi. Nay chi phí tu sửa rất thấp do mức độ sạt lở bờ ao giảm đáng kể.
Diện tích rừng ngập mặn được Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh, do Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư đã trồng từ năm 2016 đến nay 126 ha. Trong đó, huyện Quảng Điền 50,5 ha (trồng 4 năm đã phát huy tác dụng); còn lại tại xã Hương Phong (TX. Hương Trà) 21,5 ha; xã Phú Diên (Phú Vang) 30 ha và huyện Phú Lộc 24,5 ha mới trồng 1-2 năm. Dự kiến thời gian đến, tỉnh đầu tư trồng rừng ngập mặn tại huyện Phong Điền khoảng 40 ha, Quảng Điền 50 ha, TX. Hương Trà 300 ha (theo đề án phát triển rừng ngập mặn khu vực rú Chá giai đoạn 2020-2030, kinh phí 350 tỷ đồng), Phú Vang 35 ha, Phú Lộc 25 ha. |