Nếu chỉ dùng nguồn lực của nhà nước thôi thì không cách nào làm được đặc khu, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM Trần Anh Tuấn trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Ông Tuấn cũng cho rằng, cần linh hoạt, ví dụ vốn trái phiếu Chính phủ năm nay, mới chỉ giải ngân được 30%, tiền không sử dụng mà vẫn phải trả lãi. Vậy thì tại sao số 70% còn lại ta không đưa vào cho các dự án như đặc khu kinh tế, nơi đang rất cần vốn.
Ba vấn đề quan trọng
Thưa ông, tại kỳ họp Quốc hội này, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng như các đề án xây dựng 3 đặc khu kinh tế tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang là nội dung đang thu hút sự quan tâm, tranh luận. Cá nhân ông quan tâm đến vấn đề gì?
Nói về đặc khu kinh tế thì có ba vấn đề cần quan tâm là chính sách về đất đai, về thuế - tài chính và mô hình tổ chức bộ máy hành chính mang tính đặc thù. Tôi đặc biệt quan tâm tới những nhóm ưu đãi được đề xuất trong dự thảo luật.
Muốn thu hút nguồn lực bên ngoài vào đặc khu thì rõ ràng trong khu vực đó cần một chính sách ưu đãi rất lớn, trong đó có ưu đãi về thuế để biến nơi đây thành một điểm trung chuyển, một dòng luân chuyển lớn của hàng hóa, tiền tệ, thúc đẩy phát triển. Tất cả các đặc khu đều phải làm thế.
Đề cập đến những ưu đãi về đất đai, về thuế - phí, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, bài học kinh nghiệm của những đặc khu đã xây dựng trong khu vực và trên thế giới cho thấy, các loại ưu đãi không hẳn là yếu tố quyết định mang lại thành công cho mô hình này. Ông nghĩ thế nào?
Theo tôi với đặc khu kinh tế, mình xét tính lan tỏa nhiều hơn là lợi ích về nguồn thu từ thuế, phí. Đặc khu sẽ là nơi kết nối sản xuất trong nước và nước ngoài, tạo sức lan tỏa ra các thị trường khác. Sự "hút" về sản xuất của đặc khu, nếu ta đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết, sẽ tạo "cầu" lớn kết nối sản xuất trong nước với nước ngoài. Hấp thụ được đầu tư vào đặc khu, trong nước sẽ có cơ hội bổ sung được những mặt hàng chưa sản xuất, đáp ứng được.
Lan tỏa của đặc khu sẽ tạo sự hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các đối tác thông qua nhà sản xuất ở đặc khu. Người tiêu dùng thì được hưởng các lợi ích thông qua đặc khu kinh tế, phúc lợi cũng tốt hơn, người dân được sử dụng những hàng hóa tốt. Theo đó, đặc khu sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lên nội địa, buộc hàng hóa sản xuất trong nội địa phải tốt hơn.
Như vậy, bài toán đặt ra, đứng trên góc độ quản lý nhà nước, tính lan tỏa, quy tụ nguồn lực sản xuất, chuyển giao công nghệ là yếu tố quyết định hơn so với vấn đề nguồn thu.
Chưa thể đánh giá trong ngắn hạn
Trong thời gian tới, để đưa 3 đặc khu vào vận hành, dự kiến nhà nước cần huy động được một lượng vốn "khủng" từ cả ngân sách lẫn các nguồn lực xã hội (như Phú Quốc dự kiến cần hơn 40 tỷ USD, Vân Đồn cần 270.000 tỷ đồng). Ông đánh giá thế nào về nguồn lực này?
Như tôi đã nói ở trên, nếu gói gọn bài toán trong đặc khu thôi thì chưa rõ hết tính hiệu quả. Vấn đề là chúng ta cần cân đối được nguồn lực của nhà nước, của ngân sách và nguồn lực thu hút được từ bên ngoài vào đó để làm đặc khu chứ nếu chỉ dùng nguồn lực của nhà nước thôi thì không cách nào làm được, không thể có nguồn lực nào lớn như vậy để bỏ ra làm.
Thời gian đầu xây dựng đặc khu cũng không thể đưa ra bài toán về nguồn thu để xét hiệu quả chung của "món" đầu tư này. Hiệu quả dự án phải xem xét trong thời gian dài hạn hơn, tính tới sự lan tỏa trong sản xuất, trong thu hút nguồn lực, chuyển giao công nghệ để có sự phát triển bền vững. Các đặc khu tạo nên nguồn thu và ngân sách bền vững chứ xét trong ngắn hạn thì chưa thể đánh giá được.
Dù vậy, ngân sách nhà nước, trong đó có ngân sách trung ương vẫn được xem là nguồn vốn "mồi" cho việc xây dựng đặc khu. Theo tính toán, trước hết trong khoảng 5 năm đầu, mỗi đặc khu cần được rót 2.100-2.500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư ban đầu. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, việc này theo ông có khả thi?
Đứng trên góc độ chung, chúng ta cần cân đối và phải có lộ trình phù hợp với hoạt động đầu tư trung hạn và dài hạn, cân đối nguồn ngân sách, ví dụ cần xác định đặc khu cần ưu tiên hơn hay là những dự án mới cần ưu tiên trước.
Nói mỗi đặc khu cần đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng/năm chẳng hạn nhưng so với tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển hàng năm khoảng 1,6 triệu tỷ đồng thì sẽ thấy là có thể cân đối nguồn lực chung chứ.
Ví dụ, vốn trái phiếu Chính phủ, như năm nay, chúng ta mới chỉ giải ngân được 30%, nghĩa là bị động, tiền không sử dụng mà vẫn phải trả lãi. Vậy thì tại sao số 70% còn lại ta không đưa vào cho các dự án như đặc khu kinh tế, nơi đang rất cần vốn. Cần phải linh hoạt để từng đồng vốn được sử dụng hiệu quả.
3 đề án xây dựng các đặc khu kinh tế tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn được gửi đến đã thuyết phục ông để có thể bấm nút "rót" tiền, trao cơ chế thực hiện?
Trước hết, tôi ủng hộ chủ trương phát triển đặc khu kinh tế. Chúng ta không thể mãi loay hoay trong cơ chế cứng hiện tại được mà phải mở ra cho các đặc khu phát triển. Mà đặc khu kinh tế hay rộng hơn là khu mậu dịch tự do, thương mại tự do nhất thiết phải làm vì Việt Nam có vị trí rất tốt cho hướng đầu tư này. Chúng ta có vị trí giao thương trên đường biển, đất liền tốt mà tại sao không làm như Hồng Kông, Thượng Hải, Macau…
Còn trong 3 đề án, tôi thấy đề án đặc khu Vân Đồn của Quảng Ninh được chuẩn bị khá tốt, thuyết phục.