Với các lãnh đạo ngân hàng Sacombank, ĐHĐCĐ thường niên hôm 26/4 có lẽ đã đặt ra không ít áp lực khi nhiều cổ đông lâu năm của nhà băng này liên tục chất vấn gay gắt về việc năm này qua năm khác ngân hàng không trả cổ tức.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT giãi bày, mặc dù lợi nhuận giữ lại của ngân hàng là hơn 2.700 tỷ nhưng nguồn lợi nhuận tạo ra hàng năm cần được ưu tiên sử dụng để xử lý các khoản tồn đọng, giảm áp lực tài chính cho các năm tiếp theo, nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt.
Trấn an cổ đông, lãnh đạo Sacombank cho biết thêm, ngân hàng đã hiệu chỉnh Đề án tái cơ cấu và trình NHNN xem xét phê duyệt. Phương án về chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại phù hợp với kết quả kinh doanh hàng năm, trên cơ sở đảm bảo tiến độ trích lập/ phân bổ các tồn đọng tài chính theo Đề án.
Trong khi đó, đại diện cơ quan quản lý, lãnh đạo Cục Thanh tra giám sát NHNN TP.HCM cũng động viên, việc chưa chia cổ tức là nhằm đảm bảo an toàn vốn của cổ đông và các cổ đông cần tiếp tục tin tưởng lãnh đạo ngân hàng để có điều kiện thuận lợi thực hiện theo đề án để sớm chia cổ tức cho các cổ đông.
Qua công tác giám sát, NHNN đánh giá Sacombank vẫn đang là ngân hàng có vị thế, có quy mô lớn trên địa bàn, đặc biệt là trong công tác huy động vẫn được khách hàng tin tưởng khi đứng 2/12 NHTMCP trên địa bàn.
Về kế hoạch tăng trưởng tín dụng, theo mô hình tài chính tại Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập đã được phê duyệt, Sacombank xây dựng quy mô tín dụng tăng trưởng bình quân 18-20%/năm nhằm đảm bảo tạo nguồn thu nhập đủ lớn để xử lý dứt điểm các tồn đọng tài chính theo lộ trình.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong hệ thống được điều hành và kiểm soát trong giới hạn được NHNN cấp hàng năm (năm 2019, Sacombank được cấp hạn mức tăng trưởng là 7%).
Hiện Sacombank đang trình NHNN để Cơ quan chủ quản thấu hiểu năng lực và nhu cầu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, qua đó điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng hợp lý cho Sacombank (đề xuất tăng 15%), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Đề án tái cơ cấu theo lộ trình.
Trọng tâm của ngân hàng trong năm 2019 vẫn sẽ là đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu. Ông Dương Công Minh cho biết ngân hàng đặt mục tiêu thu hồi và xử lý ít nhất 10.000 tỷ tài sản có không sinh lời trong năm 2019.
Trong đó, đối với khoản tín dụng cho Khu công nghiệp Phong Phú, ông Dương Công Minh cho biết đây là món cấp tín dụng Sacombank tiếp nhận từ ngân hàng Phương Nam. Trong quá trình tiến hành xử lý khoản nợ này, có phát sinh tranh chấp giữa nội bộ của công ty Phong Phú làm ảnh hưởng đến tiến độ. Hiện Sacombank đang tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý đúng quy định.
Đối với việc mở rộng mạng lưới, lãnh đạo Sacombank cho biết, do mạng lưới hiện tại của ngân hàng đã phủ sóng gần hết các tỉnh tại các khu vực khác, ngoại trừ miền Bắc. Vì vậy, trong thời gian qua Sacombank tập trung cho việc phát triển hệ thống ra phía Bắc để mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển thị phần. Trong tháng 10/2018, NHNN cũng đã cấp phép cho Sacombank thành lập 4 chi nhánh khu vực phía Bắc.