Bộ Tài chính vừa có dự thảo báo cáo tổng kết chi thường xuyên ngân sách nhà nước, trong đó có kết quả thực hiện chi lương, chi theo định mức và chi đặc thù của các bộ ngành trung giai đoạn 2017-2021.
Cụ thể, tổng chi quỹ lương hành chính của các bộ ngành trung ương năm 2021 dự toán là 20.055 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước, nhưng tăng hơn 4.252 tỷ đồng so với năm 2017.
Trong đó, khoản chi chiếm tỷ lệ cao nhất là chi lương, với dự toán năm nay hơn 9.030 tỷ đồng (chiếm 45%) tổng quỹ, còn lại là chi định mức, chi đặc thù.
Tổng chi quỹ lương trên đã loại trừ các cơ quan áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, các cơ quan không áp dụng định mức phân bổ, như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, khối cơ quan Văn phòng…
Bộ Tài chính đánh giá, giai đoạn 2017-2021, chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (như bảo hiểm xã hội) và chi theo định mức của các bộ ngành chiếm 62-68% tổng chi hành chính các đơn vị (riêng chi theo định mức chiếm khoảng 20%). Các khoản chi đã cơ bản đảm bảo hoạt động bộ máy và thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên của các cơ quan.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, lũy kế giai đoạn 2017-2020 đã giảm khoảng 271 tỷ đồng, năm nay dự kiến giảm thêm 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn, theo Bộ Tài chính, như: định mức phân bổ chi thường xuyên còn thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cả giai đoạn tăng 18,3%; nhiệm vụ của các cơ quan thay đổi; định mức được xây dựng năm 2017 theo tiền lương cơ sở 1,21 triệu đồng/tháng, hiện lương này đã tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng (tăng 23%)...
Do đó, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo định mức chi thường xuyên nân sách nhà nước năm 2022, và giai đoạn các năm tiếp theo.