Ông lớn bất động sản thay đổi cách thức tính toán và ghi nhận thêm gần 570 tỷ đồng trong bối cảnh lợi nhuận giảm mạnh, tiền gửi ngân hàng lớn và kỳ vọng việc mở cửa sau đại dịch giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.
Tổng công ty Idico (IDC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 576 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Idico đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành Khu công nghiệp Mỹ Xuân A. Idico đã áp dụng phương pháp hạch toán doanh thu một lần đối với toàn bộ số tiền cho thuê đã nhận trước tại dự án này.
Idico đã điều chỉnh hồi tố bổ sung đối với số liệu quý IV năm 2020 với doanh thu tăng thêm hơn 814 tỷ đồng và lợi nhuận tăng thêm gần 570 tỷ đồng. Với việc điều chỉnh này, Idico ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng vọt và đẩy vào năm 2021.
Theo đó, lợi nhuận trong năm 2021 tăng thêm gần 570 tỷ đồng cùng với mức 576 tỷ đồng được báo cáo trong 2021 cộng dồn thành gần 1.070 tỷ đồng.
Trong mảng bất động sản công nghiệp, nhiều doanh nghiệp khác đã chuyển qua hạch toán một lần.
Nếu không tính hồi tố, trong năm 2021, Idico vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng tốt từ mức 319 tỷ đồng trong báo cáo kiểm toán công ty mẹ 2020 lên 502 tỷ đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, trong quý IV/2021 Idico ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.
Idico là Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng, thành lập năm 1994, là một trong những “ông trùm” khu công nghiệp. Hiện Idico đang đầu tư xây dựng quản lý và vận hành 17 dự án khu công nghiệp trên cả nước với diện tích khoảng 7.000ha.
Idico lên sàn Upcom vào ngày 24/11/2017 với giá tham chiếu 23.940 đồng và lên sàn HNX hồi cuối 2019. Cuối tháng 11/2020, Bộ Xây dựng thoái vốn thành công 108 triệu cổ phần tại Idico với giá thành công với giá đấu thành công bình quân 26.936 đồng/cp, xấp xỉ bằng giá khởi điểm và thu về 2.900 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu IDC đã tăng mạnh trong 6 tháng qua và hiện giao dịch quanh mức 68.000 đồng/cp.
Tin chứng khoán ngày 17/2: Chỉ một thay đổi, ông lớn có thêm gần 600 tỷ |
Đai dịch đã ảnh hưởng lớn đến việc xúc tiến đầu tư và tiến độ cho thuê các khu công nghiệp, nhiều khách hàng FDI đã không thể hoàn tất thương thảo, ký hợp đồng. Dù vậy, kết quả của các doanh nghiệp trong ngành này nhìn chung vẫn ấn tượng.
KBC của ông Đặng Thành Tâm ghi nhận lợi nhuận cao gấp 3 lần cùng kỳ. Ban lãnh đạo Idico kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh trong 3-5 năm tới.
KBC vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022, mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 dự kiến đạt 9.800 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 4.500 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,3 lần và gấp 5 lần so với kết quả ước đạt trong năm 2021.
Bất chấp đại dịch, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn có tín hiệu tốt.
Tỉnh Hải Dương vừa việc với các nhà đầu tư Ấn Độ về việc đầu tư dự án Công viên dược quốc tế tại tỉnh này với quy mô 960 ha, giá trị kinh phí đầu tư từ 10-12 tỷ USD. Trong kế hoạch phát triển của Samsung, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D.
Tập đoàn T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển), CTCP Năng lượng Hanwha, Tổng công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tổng công ty khí Hàn Quốc (KOGAS) vừa được trao quyết định đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD.
Rủi ro, có thể biến động mạnh
Thị trường tài chính thế giới đón nhận nhiều thông tin trái chiều về căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Mỹ và đồng minh phương Tây không tin Nga rút khỏi biên giới Ukraine. NATO cáo buộc Nga tăng số lượng quân ở biên giới với Ukraine.
Theo CNBC, NATO đã cáo buộc Nga tăng quân số tại biên giới Ukraine một ngày sau khi Moscow tuyên bố họ đã bắt đầu rút một số đơn vị quân đội của mình. Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Tư "có vẻ như Nga tiếp tục xây dựng quân đội của họ" ở biên giới. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Tư cho biết Điện Kremlin đang gửi đến phương Tây “những tín hiệu hỗn hợp”.
Theo AseanSC, TTCK Việt Nam hôm 16/2 ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ trong bối cảnh thanh khoản tăng khá nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy áp lực bán đang tăng lên, và đà tăng bắt đầu chững lại. AseanSC duy trì quan điểm rằng rủi ro biến động mạnh vẫn còn hiện hữu, nhất là khi ngày mai (17/02) là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 2.
Dự báo trong phiên giao dịch 17/2, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.495 – 1.500 điểm có thể khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.485 – 1.490 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.475 – 1.480 điểm.
Chốt phiên giao dịch 16/2, chỉ số VN-Index giảm 0,65 điểm xuống 1.492,1 điểm. HNX-Index tăng 5,28 điểm lên 429,12 điểm. Upcom-Index tăng 0,58 điểm lên 111,8 điểm. Thanh khoản đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 20,0 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
V. Hà