CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu đi ngang so với cùng kỳ, đạt 1.625 tỷ đồng. Nhờ chi phí vốn giảm 1,2%, nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 150 tỷ đồng, tăng 17% so với quý 3/2020.
Trong quý doanh thu tài chính tăng 8,6 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 16,5 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn thu lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Tuy vậy chi phí tài chính cũng tăng 6 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên trên 11 tỷ đồng (chi phí tài chính của công ty chủ yếu là chi trả lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá).
Đáng chú ý chi phí bán hàng tăng mạnh, gấp đôi cùng kỳ, lên gần 85 tỷ đồng chủ yếu do tăng mạnh chi phí cước tàu vận tải. Chi phí quản lý doanh nghiệp ngược lại giảm được hơn 10 tỷ đồng xuống còn hơn 4 tỷ đồng.
Những yếu tố trên tác động khiến cho dù lợi nhuận gộp tăng mạnh, nhưng lãi sau thuế thu về trong quý còn gần 64 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 56 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần đạt 3.755 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Trong quý chi phí vốn giảm, doanh thu tài chính tăng, nên dù chi phí cước tàu vận tải ghi nhận trong chi phí bán hàng tăng mạnh, thì Thực phẩm Sao Ta vẫn lãi sau thuế hơn 176 tỷ đồng, tăng 8,7% so với lợi nhuận sau thuế đạt được 9 tháng đầu năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 162 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý ghi nhận trên BCTC của công ty, là việc công ty đã hoàn tất thỏa thuận với bên nguyên đơn về chấm dứt việc kiện chống phá giá. Theo đó Nhóm công ty chỉ phải trả chi phí thỏa thuận và không phải trả thêm bất cứ chi phí chống bán phá giá nào khác cho giai đoạn từ 1/2/2018 đến 31/1/2021. Thuế suất chống bán phá giá sau cùng áp dụng cho Nhóm công ty giai đoạn từ 1/2/2021 đến 30/9/2021 chưa được xác định, do vậy số thuế phải trả và chi phí thuế được trình bày trong báo cáo này có thể thay đổi.
Lượng hàng tồn kho đến cuối quý 3 đạt hơn 1.008 tỷ đồng, tăng 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu tăng giá trị tồn kho thành phẩm, nguyên vật liệu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Số liệu ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2021 sản lượng tôm nguyên liệu mua vào gần 20.480 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ, còn sản lượng mua vào hàng nông sản lại giảm 16,8% xuống còn 1.701 tấn. Thành phẩm chế biến tôm đông đạt 16.312 tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ hàng thủy sản đạt 13.409 tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ, còn sản lượng tiêu thụ hàng nông sản đạt gần 155 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ.