Mới đây, Công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương TMX đã công bố báo cáo nghiên cứu về chi phí kinh doanh của các quốc gia châu Á, với tiêu đề "Sự dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng - cận cảnh chi phí kinh doanh ở châu Á".
Theo đó, các chuyên gia đã nghiên cứu chuyên sâu về chi phí kinh doanh trung bình và khả năng cạnh tranh trong cuộc đua để trở thành địa điểm sản xuất tiềm năng nhất của 9 quốc gia bao gồm: Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Nguồn: TMX.
Cụ thể, các chuyên gia đã phân tích chi phí lao động, phí cho thuê, hậu cần, tiện ích và viễn thông của mỗi thị trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đo lường mức độ cạnh tranh của các thị trường dựa trên những yếu tố định tính bao gồm môi trường kinh doanh, hiệu suất nhân tài, hiệu suất hậu cần và sự sẵn sàng cho quá trình số hóa.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những thị trường có chi phí vận hành bình quân thấp nhất trong khu vực, chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar.
Tổng chi phí vận hành trung bình của Việt Nam dao động từ 79.280 USD đến 209.087 USD mỗi tháng. Nếu xét về các lĩnh vực môi trường kinh doanh, nhân tài, hậu cần và số hóa, Việt Nam đứng thứ 5, xếp sau Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan.
Trong khi đó, Singapore là quốc gia đắt đỏ nhất châu Á, với chi phí vận hành trung bình hàng tháng cao hơn các nước trong khu vực khoảng từ 64% đến 76%.
Về chi phí nhân công lao động, chiếm trung bình tới 55% tổng chi phí của các quốc gia, Việt Nam được xếp hạng là thị trường có giá cả hợp lý đứng thứ tư sau Campuchia, Myanmar và Philippines với tổng chi phí nhân công trung bình là 108.196 USD mỗi tháng.
Chi phí lao động trung bình ở các nước châu Á tính bằng USD. Nguồn: TMX.
Về chi phí thuê kho – yếu tố chiếm chi phí lớn thứ hai trong tổng chi phí của các quốc gia, Việt Nam được xếp hạng là thị trường có giá cả hợp lý thứ tư với giá thuê trung bình là 5USD/m2/tháng, sau Thái Lan, Myanmar và Campuchia.
Về chi phí hậu cần, Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường "tiềm năng cao", đồng nghĩa với việc quốc gia này có chi phí hậu cần tương đối cao hơn nhưng có khả năng mở rộng hoạt động hậu cần tốt. Để xác định khía cạnh này, các quốc gia được đánh giá thông qua hai yếu tố: chi phí vận chuyển quốc tế mỗi tháng của hậu cần và số điểm hiệu quả hoạt động hậu cần của quốc gia đó.
Về tiện ích và viễn thông – chiếm khoảng 16% tổng chi phí ở hầu hết các quốc gia, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có chi phí điện thoại hợp lý nhất trong khi Campuchia có chi phí cao nhất.
Việt Nam được xếp hạng tầm trung về chi phí viễn thông. Có thể thấy rằng, các nước càng phát triển thì chi phí viễn thông càng thấp. Trong đó, Myanmar và Campuchia có chi phí Internet cao nhất trong khi Singapore và Ấn Độ cung cấp giá cước hợp lý nhất.
Dựa trên tất cả kết quả của nghiên cứu, các quốc gia (trừ Singapore) đã được phân loại vào ít nhất một trong ba giai đoạn của chuỗi giá trị sản xuất bao gồm: dây chuyền lắp ráp cơ bản; đang phát triển chuỗi cung ứng và tự động hóa sớm.
Trong đó, các quốc gia như Campuchia và Myanmar là những địa điểm để doanh nghiệp đặt nền móng cơ sở sản xuất, phù hợp cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may. Mặt khác, các nước như Philippines, Indonesia và Việt Nam, lại nằm giữa hai giai đoạn đầu. Cụ thể, các thị trường này sẽ phù hợp để cung cấp cơ sở vật chất cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực điện tử không đòi hỏi sự tinh vi trong sản xuất hoặc lao động có tay nghề cao.
Các quốc gia còn lại ở giai đoạn "tự động hóa sớm" là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào sản xuất và đổi mới thông minh.
Singapore không có tên trong danh sách do chi phí hoạt động và khả năng cạnh tranh tổng thể của nước này cao hơn so với các quốc gia còn lại. Do đó, Singapore trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn liên quan đến các quy trình phức tạp và yêu cầu tự động hóa cao.