Logistics là ngành dịch vụ được ví như những "mạch máu"của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là nội dung được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26-11. Theo ông Nguyễn Hồng Diên, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc diễn đàn
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp.
Cùng với đó, việc liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, và những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những "điểm nghẽn" lớn kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 được tổ chức với chủ đề "Logistics xanh" nhằm truyền tải thông điệp của Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng "xanh hóa", khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics Việt Nam nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn chỉ rõ chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao. Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...
Trong bối cảnh hiện nay, ông Trần Tuấn Anh cho rằng thách thức đặt ra với ngành logistics là rất lớn trong việc xanh hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng đi đôi với cải thiện môi trường và phát triển bền vững...
Trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường...
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Công Thương cần đề xuất các chính sách, giải pháp để tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển lĩnh vực logistics.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 và cạnh tranh địa chính trị gay gắt, biến đổi khí hậu, thiếu lương thực và nhiên liệu đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành đã thể hiện sự chống chịu và thích ứng tốt vượt qua khó khăn để phát triển. Ngành đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới đạt kim ngạch xuất khẩu 800 tỉ USD năm 2022. Hiện Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quốc tế và trong nước.