Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu thống kê của Văn phòng Ngoại thương (BAFA) Đức công bố ngày 19/1 cho biết đây là tháng thứ 9 giá năng lượng của Đức chịu tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trước đó, Đức từng phụ thuộc phần lớn vào khí đốt của Nga, chủ yếu cung cấp qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1). Tuy nhiên, Moskva đã cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng cho châu Âu kể từ tháng 9/2022, liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Đức đã nhanh chóng mua thêm khí đốt từ các nước láng giềng châu Âu cũng như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và Na Uy nhằm tránh tình trạng thiếu hụt trong mùa Đông. Tuy nhiên, tác động của nguồn cung hạn chế đã góp phần gây ra tình trạng khó khăn trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các ngành phụ thuộc vào khí đốt.
Đức là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 7 trên thế giới, chiếm 2% mức tiêu thụ năng lượng của thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và Canada. Mặc dù nước này đã đáp ứng được 19% nhu cầu năng lượng tái tạo, nhưng nhiên liệu hóa thạch - than đá, dầu mỏ và khí đốt - vẫn chiếm ưu thế, cung cấp hơn 3/4 nhu cầu năng lượng của Đức. Khí đốt tự nhiên (26%) là nguồn đóng góp lớn thứ hai sau dầu mỏ (33%).
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phần lớn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sản xuất, Đức có tác động dây chuyền lớn đến hoạt động kinh tế của toàn khối. Thiếu hụt năng lượng là một trong những nguyên nhân chính và ngay lập tức gây ra lạm phát và suy thoái kinh tế của Đức.