Vậy tiền thuê mặt bằng của các "đại gia" bán lẻ đang dao động ở mức bao nhiêu?
Giá thuê mặt bằng của PNJ
Tháng 4/2020, PNJ từng đàm phán về việc giảm tiền thuê mặt bằng, tuy nhiên chỉ nhận được sự đồng ý của khoảng 40% chủ nhà, trung bình mức giảm đạt 15%. Các cửa hàng PNJ thường đặt tại các vị trí đắc địa, đông dân cư, do đó, giá thuê mặt bằng có thể sẽ cao hơn so với mặt bằng chung.
Tính đến tháng 6/2021, PNJ ghi nhận tổng số lượng cửa hàng đang kinh doanh là 337 địa điểm. Theo báo cáo tài chính của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, PNJ trích trước chi phí thuê cửa hàng dài hạn, với số tiền khoảng 12,657 tỷ đồng, và chi phí thuê hoạt động ngắn hạn là 27,955 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2021.
Giá thuê mặt bằng của FPT Retail
Trong báo cáo tài chính của FPT Retail đến hết 30/6/2021, có 625 cửa hàng FPT Shop và 268 nhà thuốc Long Châu, mang lại doanh thu khoảng 9.024 tỷ đồng. Trong đó, chi phí trả trước trong ngắn hạn của tiền thuê cửa hàng, văn phòng là 106,610 tỷ đồng, và chi phí cải tạo cửa hàng trong dài hạn là 117,084 tỷ đồng.
Giá thuê mặt bằng của Vinmart
Theo thông tin tại các group cho thuê mặt bằng, hiện nay, với các mặt bằng dưới 10m và diện tích dưới 180m2 thì giá được Vinmart thuê tối đa là 50 triệu đồng/tháng. Còn với các mặt bằng lớn hơn 12m và diện tích lớn hơn 200 m2 thì giá thuê tối đa là 100 triệu đồng/tháng.
Thời điểm mới mua lại VinCommerce (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị VinMart & VinMart+) từ tay Vingroup, Masan đã mạnh tay "cải tổ" bằng cách đóng hơn 400 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Nếu như trong 9 tháng đầu năm 2020, chỉ có 1 siêu thị mới được mở cửa và 12 siêu thị đóng cửa thì năm nay, kế hoạch của Masan là tăng số cửa hàng lên lại mức 3.000, đồng thời có khoảng 300 - 500 cửa hàng mở mới có lãi.
Giá thuê mặt bằng của Thế Giới Di Động (MWG)
Từ đầu năm 2020 đến nay, trong nhiều báo cáo, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di động đã đề cập đến thông tin MWG đã làm việc với các đối tác cho thuê mặt bằng, nhằm miễn, giảm tiền thuê mặt bằng tại các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, MWG đưa ra thông tin về các khoản trả trước chi phí thuê cửa hàng. Cụ thể, vào thời điểm cuối quý 2/2021, MWG đã chi trả trước hơn 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, bao gồm 420,081 tỷ đồng trả trước ngắn hạn và 36,460 tỷ đồng dài hạn.
Tính đến cuối tháng 6/2021, MWG có đến 4.610 cửa hàng, tăng thêm 551 cửa hàng so với năm 2020. Nhưng hiện nay, hoạt động kinh doanh của MWG cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong tháng 8/2021, có đến 70% tổng số điểm bán điện thoại/ điện máy bị hạn chế và 50% tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp.
8 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ). Doanh thu online đóng góp hơn 7.540 tỷ đồng cho MWG (tăng 17% so với cùng kỳ). Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2021.