Chi phí huy động vốn bằng đô la Mỹ trên thị trường hoán đổi đồng euro tăng mạnh sau khi các quốc gia phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm việc chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Phí giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo của đồng euro kỳ hạn ba tháng lên tới 38,25 điểm cơ bản, cao nhất kể từ giữa tháng 3/2020, thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19, khi các ngân hàng và công ty nước ngoài tranh giành các khoản tài trợ bằng đồng USD. Hay nói cách khác, các nhà đầu tư sẵn sàng trả khoảng 38,25 điểm cơ bản so với lãi suất liên ngân hàng để đổi euro kỳ hạn ba tháng thành đô la Mỹ.
Hôm 25/2, chi phí giao dịch hoán đổi tính chéo đối với EUR chỉ là 21 điểm cơ bản và cách đây một tháng là 8 điểm cơ bản.
Giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo cho phép các nhà đầu tư huy động vốn bằng một loại tiền cụ thể từ các thị trường tài trợ khác. Ví dụ: một tổ chức có nhu cầu tài trợ bằng USD có thể huy động euro trên thị trường tài trợ bằng đồng euro và chuyển số tiền thu được thành tài trợ bằng đô la thông qua hình thức hoán đổi ngoại hối.
Antoine Bouvet, chiến lược gia lãi suất cao cấp thuộc ING cho biết: "Có nhiều dấu hỏi xung quanh tác động của các lệnh trừng phạt đối với sự ổn định tài chính, nhưng có vẻ như căng thẳng hiện nay sẽ tạm thời khiến việc tài trợ bằng đồng đô la trở nên đắt đỏ hơn đối với các ngân hàng nước ngoài".
Đồng rúp Nga đã giảm gần 30% xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD vào thứ Hai (28/2), su khi các quốc gia phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn vào hôm thứ Bảy tuần trước (26/2), bao gồm việc chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Các nhà phân tích cho biết động thái của Mỹ và các đồng minh ngăn chặn Nga sử dụng 630 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương vào cuối tuần qua sẽ khiến chi phí tài trợ bằng đô la trở nên đắt đỏ đối với các công ty phương Tây
Kenneth Broux, chiến lược gia tiền tệ thuộc Societe Generale ở London, cho biết: "Đối với các công ty phương Tây, điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương có thể phải cung cấp thanh khoản bằng đồng đô la và đồng euro.
Theo ước chuyên gia Zoltan Pozsar của Credit Suisse, ước tính Nga nắm giữ khoảng 300 tỷ USD trong các công cụ thị trường tiền tệ (money market instruments) ngắn hạn, bao gồm 200 tỷ USD hoán đổi ngoại hối và 100 tỷ USD khác thông qua tiền gửi công và tư.
Chi phí vay mượn bằng USD thông qua hoán đổi tiền tệ tăng vọt.
Sự căng thẳng không chỉ giới hạn ở các thị trường tài trợ bằng đồng euro. Chi phí đi vay tính bằng bảng Anh và yên cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Chi phí đi vay tăng vọt làm ảnh hưởng đến khối lượng giao dịch. Một quầy giao dịch tại một ngân hàng lớn của Mỹ cho biết khối lượng giao dịch trái phiếu kho bạc qua đêm gần đây thấp hơn mức trung bình.
Dữ liệu từ MarketAxess cho thấy, giao dịch trái phiếu chính phủ của khu vực đồng euro đã chậm lại đáng kể sau khi căng thẳng Nga – Ukraine tăng mạnh.
Những lo ngại về cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động đến các thị trường tài trợ bằng USD, đẩy chi phí đi vay liên ngân hàng hoặc tích trữ bằng USD tăng vọt lên cao nhất trong vòng hơn 1 năm nay.
Ngân hàng Barclays viết rằng nếu căng thẳng về nguồn vốn trở nên tồi tệ hơn, Fed có một số cơ chế có thể cung cấp giải pháp cứu trợ cho các thị trường tài trợ ngắn hạn, chẳng hạn như dòng hoán đổi ngoại hối. Fed duy trì các dòng hoán đổi ngoại hối thường trực với một số ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Tham khảo: Reuters