Bộ Lao động Mỹ ngày 12/7 công bố số liệu cho thấy việc giá thực phẩm, xăng, chi phí chăm sóc sức khỏe và y tế tăng lên khiến lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2018 của nước này ở mức cao trong sáu năm qua.
Sức ép đi lên đối với giá cả trong nền kinh tế Mỹ là rõ ràng ngay cả khi không tính giá thực phẩm và nhiên liệu hay biến động, giữa bối cảnh Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh các cuộc chiến thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ. Xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong các tháng tới.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng 5/2018.
Không tính giá thực phẩm và nhiên liệu, CPI “lõi” trong tháng 6/2018 của Mỹ tăng 0,2% do chi phí chăm sóc sức khỏe, giá ô tô và giải trí gia tăng.
So với cùng kỳ năm ngoái, CPI “lõi” tăng 2,3%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1/2017.
Máy giặt là một mặt hàng chứng kiến mức tăng giá kỷ lục 2,8% - mức tăng giá lớn nhất kể từ khi Bộ Lao động bắt đầu thu thập số liệu từ tháng 12/1977 - sau khi chính quyền Trump áp thuế đối với sản phẩm này.
Trong 12 tháng qua, CPI tăng 2,9% và cao bằng mức đã ghi nhận trong tháng 5/2018, là mức cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Fed được cho là sẽ dõi theo sức ép gia tăng đối với giá cả và có thể nâng lãi suất hai lần nữa trong năm nay.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/7 cho biết ngân sách liên bang Mỹ đã thâm hụt 74,9 tỷ USD trong tháng 6/2018, do thuế doanh nghiệp giảm mạnh so với năm ngoái. Nguồn thu từ thuế doanh nghiệp Mỹ trong tháng 6/2018 chỉ ở mức 41 tỷ USD, giảm 20 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán ngân sách nước này sẽ thâm hụt 793 tỷ USD trong cả năm ngân sách tài chính, một phần do tác động của việc Washington thông qua dự luật cải cách thuế hồi tháng 12 năm ngoái và tăng chi tiêu đã được thông qua hồi đầu năm nay./.