Trong báo cáo mới được công bố, CTCK MBS đã có những nhận định đáng chú ý về xu hướng TTCK Việt Nam vào thời điểm này.
Nhà đầu tư cá nhân hưng phấn, VN-Index liên tiếp lập đỉnh
MBS cho biết Việt Nam hiện đang là điểm sáng trên bản đồ chứng khoán toàn cầu khi VN-Index lọt Top ở tất cả các khung thời gian từ: 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, kể từ đầu năm cho tới nay.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư cá nhân đang lạc quan khi chỉ số VN-Index đã tăng 24,5% kể từ đầu năm, mức tăng mạnh nhất ở khu vực Châu Á, bỏ xa chứng khoán Mỹ và Châu Âu. Chỉ số sợ hãi/tham lam của VN-Index - đo lường sức bán so với sức mua - đã duy trì trên 0 trong 42 phiên liên tiếp, chuỗi dài nhất trong số các chỉ số chính của khu vực.
Đà tăng của thị trường diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong khi các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp đẩy giá trị giao dịch của thị trường lên mức cao kỷ lục trong tuần vừa qua, lên mức bình quân 25.000 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 18% so với tuần trước đó và đánh dấu 4 tuần liên tiếp thanh khoản trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Dòng tiền phân hóa, tập trung cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí
Diễn biến trên thị trường cho thấy, dòng tiền vẫn chưa có sự lan tỏa rộng khắp giữa các nhóm ngành, loanh quanh vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu thép, chứng khoán và dầu khí.
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm gần ½ thanh khoản toàn thị trường so với mức 35% kể từ đầu năm, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu chứng khoán đã vươn lên xếp thứ 3 trong cơ cấu thanh khoản toàn thị trường sau nhóm cổ phiếu thép kể từ khi thị trường chính thức vượt ngưỡng 1.200 điểm vào hồi đầu tháng 4.
Điểm trừ trong tuần vừa qua là hệ thống giao dịch của HSX lại quá tải và nhà đầu tư đang phải đối diện với tình trạng số liệu giao dịch không chính xác, gần như rất khó quan sát cung cầu để mua bán, thậm chí việc hủy sửa lệnh cũng đang được khuyến khích hạn chế.
MBS đánh giá điều này sẽ làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư khi giao dịch, tuy vậy ở thời điểm hiện tại thị trường đang trong xu hướng tăng, biên lợi nhuận vẫn còn tốt nên nhà đầu tư dù còn nhiều ý kiến chưa đồng tình nhưng vẫn có thể bỏ qua. Nhưng ở chiều ngược lại khi thị trường giảm sẽ rất nguy hiểm và lệnh MP có thể là sự lựa chọn. Việc hủy/sửa lệnh đang được khuyến khích dùng hạn chế là giải pháp tình thế. Do vậy, MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, thực hiện chiến lược bán trong chiều tăng và mua trong chiều giảm (nếu muốn cơ cấu danh mục) để tránh tình trạng kẹt lệnh và đọng vốn.
Chỉ số đang bước vào nhịp tăng nóng, nhà đầu tư có thể "canh" chốt lời
Theo MBS, về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn đang trong quá trình hoàn thiện sóng tăng thứ 5. Đà tăng của VN-Index được hỗ trợ bởi số lượng tài khoản mở mới tiếp tục lên mức kỷ lục và đẩy thanh khoản thị trường trên cả 3 sàn lên mức 33.885 tỷ đồng/phiên ở những phiên đầu tháng 6, đây là mức thanh khoản kỷ lục và đã tăng gấp đôi so với hồi đầu năm.
Do vậy dưới góc nhìn kỹ thuật, việc chỉ số tăng được hỗ trợ bởi đà tăng của thanh khoản sẽ càng củng cố xu hướng tăng tiếp diễn của thị trường, đặc biệt là thanh khoản chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, thậm chí có thể tăng thêm nữa khi hệ thống giao dịch được thông suốt trong thời gian sắp tới.
Trong kịch bản lạc quan, MBS đánh giá các ngưỡng mục tiêu mới có thể ở 1.415 điểm đến 1.476 điểm và 1.541 điểm, trong khi đó các, các ngưỡng hỗ trợ ở 1.300 – 1.330 điểm.
Tuy nhiên, chỉ số RSI theo đồ thị tuần cũng bắt đầu báo hiệu vùng quá mua và chỉ số đang bước vào nhịp tăng nóng với RSI đạt 79,22 điểm là một tín hiệu nữa cần chú ý. Chỉ số RSI theo đồ thị ngày cũng đang ở mức khá cao (78.23 điểm) và cũng là điểm cảnh báo cần theo dõi trước khi các nhịp rung lắc điều chỉnh xuất hiện.
MBS đánh giá chiến lược nắm giữ cổ phiếu tốt nên được ưu tiên trong thời điểm này nhằm tránh những rung lắc về mặt kỹ thuật. Có thể chọn lựa thời điểm chỉ số VN-Index tiến sát các vùng kháng cự mạnh chốt lời một phần hoặc trading.