Đầu tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị bàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024. Tại hội nghị, đại diện các sở ngành đã báo cáo số liệu về lĩnh vực quản lý của mình, các số liệu cho thấy nền kinh tế của tỉnh Lâm Đồng đang gặp nhiều thách thức, khó khăn. Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách của Lâm Đồng không đạt yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công rất thấp.
Trong khi đó, chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Lâm Đồng trong năm 2023 đã giảm 39 bậc so với năm 2022. Chỉ số này đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp.
Tại buổi gặp mặt hơn 270 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban, ngành và trưởng phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh của Lâm Đồng, ông Nguyễn Thái Học – Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định, các chỉ số của Lâm Đồng hiện đang "rơi tự do" chứ không còn tụt hạng nữa.
Minh chứng vấn đề này, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ rõ, trước đây Lâm Đồng luôn đứng số 1 về chỉ số GRDP trong 5 tỉnh Tây Nguyên, thì 6 tháng đầu năm 2024 Lâm Đồng đứng cuối và đang đứng thứ 58/63 tỉnh thành. Theo ông Học, đây là những con số rất "buồn", cần phải thay đổi, kéo lên trong thời gian tới.
Chính vì chỉ số PCI của địa phương "tụt dốc không phanh" nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ phải phân tích, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm giảm chỉ số PCI năm 2023 so với 2022; trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương trong việc để giảm chỉ số này, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả, đảm bảo cải thiện các chỉ số thành phần trong năm 2024.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, các sở ngành, huyện, thành phố trong tỉnh đã đưa ra các đánh giá, phân tích cũng như giải pháp để tăng các chỉ số thành phần từ đó tăng chỉ số PCI của toàn tỉnh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, chỉ số PCI năm 2023 liên quan đến lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường giảm so với năm 2022. Cụ thể, chỉ số tiếp cận đất đai năm 2023 đạt 6.43 điểm. Đáng chú ý, 53% tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; 48% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính đất đai không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; 38% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất nhiều thời gian; 71% tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai.
Ngoài ra, đối với chỉ số chi phí không chính thức năm 2023 đạt 6.52 điểm (giảm 1,11 điểm so với năm 2022). Trong chỉ số này, có đến 70% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến; 34% chi trả " hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu...
Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đưa ra giải pháp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch, kịp thời các quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch xây dựng, khung giá đền bù thu hồi đất; các quy định, chính sách liên quan đến đền bù, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư,... Kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Song song với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ ng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ; công khai minh bạch các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công, trên trang thông tin điện tử của Sở, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.
Trong khi đó, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong thời gian tới cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành các cơ quan, địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin. Song song với đó là tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tránh việc chồng chéo, trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành đối với doanh nghiệp.
Tại TP. Đà Lạt, địa phương này đưa ra nhiều giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh hay thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Lạt đang có gần 4.000 doanh nghiệp, thu hút trên 32.200 lao động với vốn kinh doanh gần 60.000 tỷ đồng. Thế nhưng, việc quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh vẫn còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả chưa cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa có cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp.