Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động đủ tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu.
Theo đó, tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.
Như thế, kể từ năm 2022 trở đi, số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% hay tối đa 75% sẽ không tăng nữa. Lao động nữ cần đóng tối thiểu 15 năm và lao động nam cần đóng tối thiểu 20 năm để nhận lương hưu 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Lao động nam đóng đủ 35 năm BHXH và lao động nữ đóng đủ 30 năm BHXH sẽ được lương hưu với tỷ lệ 75% tiền lương tháng đóng BHXH, đây là tỷ lệ tối đa.
Trong trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc, nhưng về hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu thì theo nguyên tắc mức hưởng lương hưu được tính như trên với mức tối đa 75%; sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Vì vậy những trường hợp bị trừ tỷ lệ lương hưu sẽ không được hưởng lương hưu với mức tối đa.