Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tiết lộ gói kích thích kinh tế tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng có giá trị lên tới hơn 2.000 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.
Theo đó, Mỹ sẽ chi 2.000 tỷ USD trong 8 năm tới và nâng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28% để tài trợ nỗ lực này. Phát biểu tại Pittsburgh, ông gọi đây là tầm nhìn để tạo ra "nền kinh tế hùng mạnh nhất, vững chãi nhất và sáng tạo nhất trên thế giới" cùng với hàng triệu "việc làm có thu nhập tốt".
Nhà Trắng cho biết trong 15 năm tới gói kích thích sẽ được tài trợ bằng cách tăng thuế cùng với một số biện pháp khác được thiết kế để buộc các tập đoàn đa quốc gia phải mang lợi nhuận về nước.
Chi tiết của kế hoạch gồm:
- 621 tỷ USD chi cho các cơ sở hạ tầng của ngành vận tải như đường sá, cầu cống, cảng biển, sân bay, phương tiện công cộng và các dự án phát triển xe điện
- Trực tiếp chi 400 tỷ USD cho việc chăm sóc những người già và người tàn tật
- Bơm hơn 300 tỷ USD vào nỗ lực cải thiện hệ thống nước uống, mở rộng băng thông Internet và nâng cấp hệ thống đường dây điện
- Chi hơn 300 tỷ USD xây dựng và cải tạo nhà ở xã hội, cùng với đầu tư cho hệ thống trường học
- Đầu tư 580 tỷ USD cho ngành sản xuất, công tác R&D và các nỗ lực đào tạo nghề
Đây là sáng kiến lớn thứ hai của chính quyền Biden sau khi gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã được thông qua hồi đầu tháng 3. Trong động thái mới, ông Biden hướng đến mục tiêu tạo việc làm mới, củng cố mạng lưới cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu trước khi chuyển sang kế hoạch thứ 2 có mục tiêu là cải thiện giáo dục và y tế.
Mặc dù đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, nỗ lực thông qua kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Nhìn chung thì đảng Cộng hòa ủng hộ nỗ lực xây dựng lại mạng lưới cơ sở hạ tầng nhưng họ phản đối việc tăng thuế. Năm 2017 chính quyền Trump đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%.
Trước những phàn nàn về dự định tăng thuế, ông Biden giải thích gánh nặng thuế sẽ không tăng lên đối với bất kỳ ai có thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Ông cũng không có ý định trừng phạt những người giàu có. "Câu chuyện ở đây là mở ra cơ hội cho tất cả mọi người", ông nói.
Một trong những mục tiêu mà chính quyền Biden đặt ra là sửa chữa 20.000 dặm đường và sửa chữa 10.000 cây cầu. Ngoài ra đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được mạng lưới 500.000 điểm sạc xe điện.
500.000 ngôi nhà cho người có thu nhập thấp và trung bình sẽ được xây mới hoặc cải tạo, đồng thời thay thế toàn bộ các đường ống trong hệ thống nước uống.
Chính quyền Biden muốn áp dụng các biện pháp đảm bảo các tập đoàn đa quốc gia sẽ đóng mức thuế ít nhất là 21% tại bất kỳ quốc gia nào. Nhà Trắng vẫn luôn muốn ngăn chặn các công ty trốn thuế bằng cách lập pháp nhân ở các thiên đường thuế.
Ông Biden hi vọng gói kích thích mới sẽ tạo ra nhiều việc làm trong ngành sản xuất và cứu lấy mạng lưới cơ sở hạ tầng trong lúc Mỹ cố gắng thoát khỏi bóng đen Covid-19. Ông và các nghị sĩ Dân chủ cũng rất tập trung vào mục tiêu biến đổi khí hậu, tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch hơn.
Tổng thống chọn công bố kế hoạch tại Pittsburgh, nơi nền kinh tế đang có sự dịch chuyển lớn từ các ngành truyền thống như cơ khí và khai mỏ sang lĩnh vực y tế và công nghệ.
Đảng Dân chủ đang mong muốn đề xuất sẽ được thông qua ngay trong mùa hè này. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từng đề cập đến ngày 4/7.
Tham khảo CNBC