"Cơ sở dữ liệu tổng hợp của chỉ số này đến từ cơ sở dữ liệu 21 triệu hộ gia đình do Tổng cục Thống kê triển khai còn Bộ thì có kênh tổng hợp tỷ lệ này là từ các địa phương báo cáo lên chứ Bộ không tự nghĩ ra được".
Đó là giải thích của Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, ông Lê Quân tại phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, sáng 9/10, xung quanh những bình luận về chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo gây chú ý trong dư luận những ngày gần đây.
Đứng thứ 8 trong tổng số 12 chỉ tiêu được Quốc hội quyết định cho năm 2018 là tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, đạt 58,6% (kế hoạch là 58-60%). Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ ba tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo số ước thực hiện bằng số được giao, đều là 23- 23,5%.
Trước đó, trong một cuộc toạ đàm cũng do Uỷ ban Kinh tế tổ chức, một số chuyên gia đề nghị bỏ chỉ tiêu "vô duyên" này, vì làm tốn kém ngân sách mà không có mấy tác dụng thiết thực.
Còn một vị chuyên gia trước đây từng công tác trong ngành lao động, trực tiếp liên quan đến những con số về lao động thì khẳng định rằng "chỉ tiêu lao động qua đào tạo là bịa, vì chẳng ai theo dõi cả".
Trong phiên họp toàn thể sáng 9/10 của Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Trần Văn Tiến, thành viên Uỷ ban này cũng bày tỏ băn khoăn về một số chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về lao động, việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm nào cũng đạt dưới 4%, số này có thực không? ông Tiến hỏi.
Theo đại biểu Tiến thì tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng nên xem xét lại, bởi được đào tạo rồi về làm trái nghề không liên quan đến đào tạo thì con số đó có thực không? Chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá là thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước mà tỷ lệ lao động qua đào tạo thì đạt yêu cầu, thế thì tại đâu?, đại biểu Tiến nêu hàng loạt nghịch lý.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, ông Lê quân giải thích, chỉ tiêu lao động qua đào tạo gồm hai chỉ tiêu, chỉ tiêu lao động qua đào tạo nói chung để chỉ những người có kỹ năng theo thống kê thì dao động từ 50-60%. Còn chỉ tiêu quan trọng hơn là tỷ lệ lao động qua đào tạo từ ba tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo Quốc hội giao đến 2020 đạt 25%, hiện mới đạt 22-23%.
Ông Quân cũng "trả lời thật" là đạt chỉ tiêu về đào tạo không có nghĩa là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Giải thích cụ thể hơn, ông Quân nói: cơ sở dữ liệu tổng hợp của chỉ số này đến từ cơ sở dữ liệu 21 triệu hộ gia đình do Tổng cục Thống kê triển khai còn Bộ thì có kênh tổng hợp tỷ lệ này là từ các địa phương báo cáo lên chứ Bộ không tự nghĩ ra được.
Thứ trưởng Quân cũng cho biết là bao giờ cũng có chênh lệch, Tổng cục Thống kê khảo sát có năm cao hơn, có năm thấp hơn. Còn Bộ tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cũng thường xuyên có năm cao hơn hoặc thấp hơn.
Ông Quân cũng thêm một lần "báo cáo thật" rằng trước đây thì đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng nhưng dần dần phải nhìn nhận là có đào tạo nhưng chưa chắc đã có chất lương và đáp ứng được yêu cầu thị trường. Vì thế nên đề xuất của Bộ là chuyển hướng sang đánh giá tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề nghiệp, cái đó quan trọng hơn là có trình độ đào tạo.
Tiếp theo, ông Quân cho biết, hiện có 5 triệu rưỡi lao động có trình độ đại học, 321 ngàn lao động có trình độ sau đại học, hơn 6 triệu lao động có trình độ sơ cấp trung cấp, tổng cộng có bằng cấp là 12.233 ngàn, đạt khoảng 22%. Tỷ lệ này so với quốc tế là thấp, ông Quân so sánh.
"Nhưng cũng phải nói thật là giống như trước đây các tỉnh hay chạy theo tỷ lệ cán bộ có bằng thạc sỹ, tiến sỹ, nên việc chạy theo bằng cấp, phân loại theo bằng cấp cũng không phản ánh đủ, phản ánh đúng", Thứ trưởng Quân thêm một lần nhấn mạnh hai chữ "nói thật".