Chỉ tiêu thanh toán tức thời (Current Ratio) thường được dùng trong việc đo lường khả năng thanh khoản của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này có thể tính được từ số liệu Bảng cân đối kế toán qua công thức sau:
Chỉ tiêu thanh toán tức thời = Tài sản lưu động / Nợ ngắn hạn
Chỉ tiêu trên cho thấy doanh nghiệp có đủ tài sản lưu động có thể chuyển đổi ra tiền trong thời gian ngắn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn không. Rõ ràng, chỉ tiêu này cần phải lớn hơn 1, nếu không doanh nghiệp sẽ dễ gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ đúng hạn.
Trong thực tiễn, người ta thường yêu cầu chỉ tiêu này của các doanh nghiệp phải lớn hơn 1, còn lớn hơn bao nhiêu thì tốt sẽ tuỳ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp ở từng ngành, nghề khác nhau. Một doanh nghiệp có khả năng bán các khoản hàng tồn kho để thu lại tiền nhanh chóng thì chỉ tiêu thanh toán tức thời có thể chấp nhận được ở mức thấp hơn so với trường hợp một doanh nghiệp khác có chu kỳ sản xuất dài và các khoản mục hàng tồn kho chậm chuyển sang tiền hơn.
Chỉ tiêu thanh toán tức thời có nhược điểm là cho thấy tỷ lệ giữa tài sản lưu động và nợ ngắn hạn nhưng không cho thấy độ lớn tuyệt đối chênh lệch giữa hai khoản mục này. Ví dụ, hai doanh nghiệp A và B có chỉ tiêu thanh toán tức thời như sau:
Chỉ tiêu thanh toán tức thời (A) = 100/50 = 2
Chỉ tiêu thanh toán tức thời (B) = 1000/500 = 2
Cả hai có cùng chỉ tiêu thanh toán tức thời là 2, song doanh nghiệp A sau khi sử dụng hết tài sản lưu động để thanh toán nợ ngắn hạn thì chỉ còn 50, còn doanh nghiệp B sau khi thanh toán hết nợ ngắn hạn bằng tài sản lưu động thì còn dôi ra tới 500, gấp tới 10 lần so với doanh nghiệp A.
Nếu hai doanh nghiệp này cùng loại và kinh doanh trong một ngành nghề thì rõ ràng doanh nghiệp B có khả năng thanh toán nợ tốt hơn doanh nghiệp A. Và điều này không được phản ánh trong chỉ tiêu thanh toán tức thời.
Để khắc phục nhược điểm trên, thông thường khi phân tích chỉ tiêu thanh toán tức thời sẽ đi kèm với chỉ tiêu vốn lưu động, được tính bằng (Tài sản lưu động - Nợ ngắn hạn).