Niềm vui cuối mùa nước nổi
Về ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang), từ đầu đường vào ấp đã thấy không khí nhộn nhịp của bà con trong ấp. Trên gương mặt ai cũng toát lên niềm vui, phấn chấn. Có người đang nhổ rau, người đang chăm sóc cho những luống rau xanh mướt.
Các tổ viên của tổ hợp tác trồng màu ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Ảnh: N.Q
“Thời gian qua, Hội Nông dân một số địa phương tỉnh Kiên Giang cũng tích cực tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho nông dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với mùa nước nổi”. |
Bà Thị Đẹt - thành viên Hợp tác xã rau sạch Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc đang thu hoạch những luống rau cải trời để sáng hôm sau mang ra chợ bán. Với 1.000m2 đất trồng, mỗi ngày bà Thị Đẹt thu hoạch 30kg rau cải trời và 30kg bồ ngót, với giá 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Đẹt thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng trong 3 tháng mùa nước nổi.
“Ba tháng mùa nước nổi rau bán được giá, còn thời điểm khác trong năm rau chỉ có giá 5.000 đồng/kg. Mùa nước năm nay có mưa nên trồng rau nhẹ công tưới lại bán được giá… Bà con trồng rau mùa nước nổi năm nay phấn khởi lắm hà…” - bà Đẹt chia sẻ.
Còn anh Danh Đảnh, thành viên Hợp tác xã rau sạch Thạnh Hưng, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1.000m2 đất trồng rau màu. Mùa nước nổi năm nay, tôi trồng cải xanh, cải ngọt, rau thơm. Nè, vài ngày nữa tôi sẽ thu hoạch hơn 1 tấn cải xanh. Từ giờ tới hết mùa nước chắc cũng kiếm thêm được khoảng 5 triệu đồng nữa…”.
Sau khi trừ chi phí, gia đình bà Đẹt thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng trong 3 tháng mùa nước nổi (Ảnh: N.Q).
Theo ông Danh Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã rau sạch Thạnh Hưng, hiện toàn Hợp tác xã có 31.000m2 rau các loại được người dân trồng trong mùa nước nổi này. Do địa bàn ấp Thạnh Hưng là vùng đất thấp nên xã viên không trồng rau màu có thời gian sinh trưởng dài ngày mà chỉ trồng rau ăn lá ngắn ngày như: Cải xanh, rau thơm, mồng tơi, cần nước, cù nèo…
Nằm trong khu vực bờ bao được nhà nước đầu tư kiên cố nên hơn 3ha rau màu của Tổ hợp tác trồng màu ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) được bà con phủ kín bằng khổ qua, dưa leo, ớt, đu đủ trong mùa nước nổi này. Hiện đang là cao điểm thu hoạch rau màu nên mỗi ngày Tổ hợp tác trồng màu ấp Tân Quới cung ứng cho thị trường khoảng 7 tấn dưa leo, khổ qua, đu đủ…
Hỗ trợ bà con trồng màu mùa nước
Chỉ với 1.000m2 đất trồng rau màu, vụ này anh Đảnh thu về 5 triệu đồng (Ảnh: N.Q).
Xung quanh những rẫy dưa leo xanh mướt đang cho thu hoạch rộ của anh Nguyễn Văn Phê, thành viên Tổ hợp tác trồng màu ấp Tân Quới là nước lũ mênh mông. Anh Phê phấn khởi cho biết: “Tôi mới thu hoạch xong 6.000 gốc ớt bán được 70 triệu đồng, với giá 60.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi 50 triệu đồng. Hiện mỗi ngày tôi thu hoạch được 500kg dưa leo. Rồi khoảng 20 ngày nữa tôi mới thu hoạch dứt điểm đám dưa leo này. Hết mùa nước nổi này, gia đình tôi thu ước khoảng 7 tấn dưa leo, lãi ít nhất 20 triệu đồng từ 2.000m2…”.
Hiện giá dưa leo ở huyện Tân Hiệp đang được giá 5.000 đồng/kg, thương lái cân tại rẫy. Tuy thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn các thời điểm khác trong năm và quan trọng là chi phí sản xuất thấp hơn. “Thêm nữa đầu vụ tôi sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học, nên thấy sâu bệnh ít hơn, ít có bệnh chết dây như những vụ trước, giúp giảm giá thành sản xuất” - anh Nguyễn Văn Phê bộc bạch.
Nông dân huyện Châu Thành thu hoạch rau màu trong mùa nước nổi (Ảnh: N.Q).
Cách ruộng dưa leo của anh Phê không xa, gia đình bà Võ Thị Quân, thành viên Tổ hợp tác trồng màu ấp Tân Quới trồng 4.000m2 dưa leo, mỗi ngày thu hoạch được 800kg dưa leo cân cho lái tại ruộng. “Ước thu hoạch dứt điểm sẽ được 14 tấn dưa leo, trừ hết chi phí, tôi lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ” - bà Quân cho hay.
Để hỗ trợ bà con nông dân trồng màu mùa nước nổi, trước đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang) đã phối hợp doanh nghiệp hỗ trợ 5 thành viên tổ hợp tác trồng màu ấp Tân Quới phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/hộ. Đa số các hộ được hỗ trợ cho biết, việc sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất đã giúp cây màu phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, giúp giảm giá thành sản xuất…