Sau 13 phiên "trắng" thanh khoản, CTCP VNG (Vinagame – mã VNZ) cuối cùng cũng có những cổ phiếu đầu tiên được khớp lệnh trên sàn chứng khoán. Trong phiên ngày 1/2, cổ phiếu VNZ đã tăng kịch trần (+96.000 đồng, +40%) lên mức 336.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán thời điểm hiện tại.
Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 100 cổ phiếu. Như vậy, chỉ với chưa đến 34 triệu đồng được giao dịch, vốn hóa của Vinagame đã tăng thêm hơn 3.400 tỷ lên trên 12.000 tỷ đồng (~510 triệu USD). Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức định giá mà Vinagame từng chạm tới trong quá khứ.
Năm 2014, VNG từng được định giá 1 tỷ USD và trở thành "kỳ lân" đầu tiên tại Việt Nam, theo World Startup Report. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao "ngất ngưởng" khi Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.
Có thể thấy, chỉ sau chưa đầy 2 năm, định giá của Vinagame đã "bốc hơi" khoảng 80%. Tuy nhiên, con số 510 triệu USD vẫn đủ đưa doanh nghiệp này lọt top 2 về vốn hóa trong nhóm công nghệ trên sàn chứng khoán, chỉ sau Tập đoàn FPT (mã FPT).
Trước đó vào ngày 5/1, gần 36 triệu cổ phiếu VNZ đã chính thức chào sàn UpCOM với giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 240.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá 8.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù khối lượng dư mua giá trần lên đến hàng chục nghìn đơn vị nhưng không có cổ phiếu nào được khớp lệnh trong nhiều phiên giao dịch sau đó.
Với biên độ phiên khớp lệnh đầu tiên sau khi chào sàn UpCOM lên đến 40%, VNZ đã lập kỷ lục trở thành cổ phiếu có mức tăng trong một phiên mạnh nhất lịch sử tính theo số tuyệt đối với 96.000 đồng. Con số này thậm chí còn cao hơn thị giá của phần lớn cổ phiếu trên toàn sàn chứng khoán.
Cổ phiếu VNZ lên sàn trong bối cảnh tình hình kinh doanh của VNG không mấy khởi sắc. Quý 3/2022, VNG đạt doanh thu thuần 2.100 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Do chịu khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đồng, trừ đi chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế quý III 254,5 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của VNG.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng trong đó lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỷ đồng. Phần lỗ trong công ty liên kết trong 9 tháng đầu năm đã tăng lên hơn 82 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của doanh nghiệp này đã lên tới hơn 603 tỷ đồng.
Năm 2022, VNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, sau 3/4 chặng đường, "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam mới thực hiện 57% kế hoạch doanh thu và tiệm cận mục tiêu lỗ sau thuế cả năm đề ra.
Mới đây, VNG đã công bố thông tin về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Hồng Minh – đồng sáng lập VNG từ ngày 1/1/2023. Ông Võ Sỹ Nhân được bổ nhiệm vào vị trí này thay cho ông Lê Hồng Minh trong nhiệm kỳ 2022-2025. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Hiện tại, ông Lê Hồng Minh vẫn là Tổng giám đốc của VNG.
Việc ông Minh rời vị trí Chủ tịch HĐQT của VNG có thể là để phù hợp với quy định "Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) của 01 công ty đại chúng", tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.