Thống kê cho thấy, trong 8 tháng qua, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam tổng số vốn khoảng 7 tỷ USD, nhiều hơn quốc gia xếp vị trí thứ 2 là Hàn Quốc 1,8 tỷ USD.
Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Nhật đã từng bước thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Thị trưởng thành phố Sakai (thứ 2 từ phải sang) tiếp đoàn công tác của VCCI và thành phố Cần Thơ.
Tuy nhiên, để tạo được những thành công hơn trong việc mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư, vẫn còn nhiều điểm hạn chế từ các địa phương và doanh nghiệp Việt. Bởi người Nhật rất coi trọng vấn đề “nhập gia tùy tục”. Do đó, khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam, người Nhật cũng muốn gặp được những người hiểu rõ họ.
Những ngày trung tuần tháng 10, tại tòa thị chính SaKai, tỉnh Osaka, Nhật Bản, ông Takeyama Osami - Thị trưởng thành phố vui mừng khi tiếp xúc và trao đổi với đại diện lãnh đạo VCCI khu vực ĐBSCL và thành phố Cần Thơ. Ông phấn khởi khi nhận được thư mời của lãnh đạo UBND Thành phố Cần Thơ mời tham dự Lễ hội văn hóa Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 4, tổ chức ở Thành phố Cần Thơ vào đầu tháng 11 tới.
Đồng thời, ông Takeyama Osami cho biết bản thân ông rất vui khi được đại diện thành phố Cần Thơ thông tin sẽ có chuyến bay trực tiếp từ Nhật Bản đến sân bay Quốc tế Cần Thơ dịp địa phương tổ chức Ngày hội.
Tuy nhiên, ông Takeyama Osami nêu rõ, đối với ông cũng như lãnh đạo thành phố rất khó sắp xếp được thời gian tham dự. Bởi theo ông, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo thành phố SaKai cũng như ở các địa phương khác của Nhật Bản đều được lên lịch làm việc từ nhiều tháng trước đó. Có những hoạt động đã được sắp xếp trước đó cả năm.
Ông Hitoshi Kato, Chủ tịch Văn phòng Kato, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai cho biết, việc không tham dự một sự kiện khi thời gian quá cận kề là điều bình thường ở Nhật Bản - nơi nổi tiếng tỉ mỉ, chu đáo và có những kế hoạch dài hạn trong sắp xếp công việc.
Là người có mối quan hệ với các nhà lãnh đạo và một số địa phương của Việt Nam, ông Hitoshi Kato cho biết, các nhà đầu tư Nhật trước đây thường tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khi đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, đã bắt đầu có thêm nhiều nhà đầu tư Nhật quan tâm đầu tư vào dịch vụ, nông nghiệp... Trong đó, bản thân ông đã góp phần rất lớn vào dự án nâng cao hiệu quả đánh bắt cá ngừ đại dương tại Bình Định. Chương trình này không chỉ giúp đỡ ngư dân về kỹ thuật đánh bắt mà cả về vốn và thị trường.
Không chỉ hỗ trợ Bình Định với dự án cá ngừ đại dương, ông Kato còn hỗ trợ tiếp thị các dự án mời gọi đầu tư của Bình Định cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Sakai và tỉnh Osaka. Tuy nhiên, theo ông Kato, mọi việc lúc đầu rất vất vả trong việc hỗ trợ. Cụ thể khi thực hiện các tài liệu dịch sang tiếng Nhật và trình bày để người Nhật dễ hiểu về hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh cũng như cung cấp danh mục của các dự án mời gọi đầu tư với các nhà đầu tư Nhật Bản bằng tiếng Nhật.
Trong đó, kinh nghiệm quý mà ông Kato rút ra với các địa phương và doanh nghiệp Việt khi muốn người Nhật hiểu và đầu tư nhiều hơn thì chính quyền, doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu kỹ văn hóa của người Nhật. Trong đó, điểm quan trọng bậc nhất chính là việc giữ chữ tín, giữ lời hứa cho dù nó là những công việc nhỏ nhất; giờ giấc cũng rất quan trọng trong các buổi hẹn với đối tác Nhật Bản. Bên cạnh đó, đối với các dự án đầu tư phải kiên nhẫn để làm việc cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ và phải đàm phán rất kỹ càng, rất tập trung cho rõ mọi việc.
Ông Hitoshi Kato cho biết thêm: "Trong các buổi làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp hay hội công thương Nhật, tôi nghĩ rằng đừng bao giờ nói ngay là các doanh nghiệp Nhật hãy đến địa phương chúng tôi đầu tư. Thay vì như vậy bạn có thể đề nghị là phía doanh nghiệp Nhật hãy thành lập một đoàn đến địa phương của Việt Nam để xem rằng các tiềm năng, thế mạnh như thế nào để doanh nghiệp Nhật, từ đó có thể nắm bắt và đầu tư theo nhu cầu của doanh nghiệp Nhật. Trong đó, Hội công thương của các địa phương của Nhật mỗi năm sẽ tổ chức các chuyến đi thị sát nước ngoài. Và sau khi đã khi thị sát ở địa phương của Việt Nam, bước tiếp theo là tổ chức buổi hội thảo với các thành phần có liên quan để xúc tiến đầu tư".
Ông Hitoshi Kato – Người kết nối nhiều dự án Nhật – Việt. |
Phân tích rõ hơn sự chú trọng hợp tác dài hạn trong đầu tư ở Việt Nam, ông Yoshiaki Hayashi, đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Sakai bao gồm 5.000 hội viên, tương ứng với 5.000 công ty đang hoạt động trên địa bàn thành phố cho biết việc đầu tiên là phải tìm hiểu thực tế. Bởi có như thế, mới có những quyết định và chiến lược làm ăn lâu dài: "Hàng năm chúng tôi đều có các chuyến thị sát ở nước ngoài. Vào tháng 3 của năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức một đoàn doanh nghiệp để khảo sát thị trường ở Việt Nam. Cụ thể là chúng tôi đã đến TP HCM, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) và nơi có di sản thế giới là Huế. Tại đây chúng tôi đã có buổi làm việc rất kỹ với chính quyền thành phố. Trong buổi làm việc, chúng tôi đã có được rất nhiều thông tin và môi trường đầu tư. Và chúng tôi có những thời gian trao đổi rất kỹ trước khi có những quyết định đầu tư".
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam – chi nhánh Cần Thơ nêu rõ Nhật Bản là một trong những quốc gia có vốn đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Nhật có thế mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo cũng như các lĩnh vực cơ khí, điện tử. Còn ở ĐBSCL, có thế mạnh về nông nghiệp nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư. Đến thời điểm này có 169 công ty Nhật Bản đầu tư nhà máy tại khu vực ĐBSCL và bắt đầu tăng dần.
Vì sao người Nhật bán hơn 665 triệu đồng/cặp dưa? Hầu hết sản phẩm hoa quả của Nhật Bản được bán tại Việt Nam có giá trị gấp nhiều lần so với sản phẩm nội địa.
Chính vì vậy, việc đón đầu làn sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp buộc các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL phải nắm bắt được những đặc điểm văn hóa của người Nhật. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để giữ được mối quan hệ làm ăn lâu dài, làm việc với các đối tác Nhật Bản: "Và chúng tôi cũng rất hiểu để người Nhật, doanh nghiệp Nhật Bản hiểu về vùng đất ĐBSCL thì trước tiên phải hiểu về văn hóa và con người lẫn nhau. Vì vậy trong rất nhiều năm, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có chương trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản tại thành phố Cần Thơ. Năm nay là lần thứ 4 chúng tôi tổ chức, cùng với đó là kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản", ông Lam cho biết thêm.
Người Nhật vốn nổi tiếng tỉ mỉ, chu đáo trong công việc nhưng đó không phải là những đặc tính bẩm sinh. Nó đến từ sự rèn luyện, tích lũy và điều đó có thể ít nhiều hữu ích cho người Việt tham khảo. Ông Hitoshi Kato cho biết thêm rằng xu hướng chuyển dịch đầu tư cho thấy Việt Nam không chỉ hấp dẫn trong công nghiệp mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, cụ thể là lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Kato, từ làn sóng đầu tư này, buộc các doanh nghiệp và đối tác Việt Nam phải hiểu nét văn hóa Nhật nhiều hơn và nắm bắt nhiều hơn để kết nối thành công với doanh nghiệp Nhật Bản: "Vì vậy, sau này khi các đối tác Việt Nam làm việc với đối tác Nhật Bản, chúng ta cần hiểu rõ nét văn hóa và những điểm khác biệt của riêng mỗi nước để chúng ta có cách làm hiệu quả và thuận lợi hơn. Đây chính là cách thức tốt nhất để thu hút đầu tư từ Nhật Bản".
Với nền kinh tế lớn hàng đầu của Châu Á và thế giới - Nhật Bản đang là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam rất quan tâm mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật. Do vậy, việc nắm rõ đặc điểm tiêu dùng và tính cách kinh doanh, phong tục, sở thích của họ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt giao tiếp và kinh doanh thành công với người Nhật./.