Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Từ lịch sử, truyền thống, tên gọi Hải Dương có nghĩa là "Ánh mặt trời biển Đông" hay "Ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”, nơi đây là phên giậu phía đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Hải Dương-Trấn Đông xưa, luôn ở vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trấn thứ nhất trong tứ trấn.
Hải Dương được biết đến là vùng đất "địa linh nhân kiệt", gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá như Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Đại danh y Tuệ Tĩnh… (có 486 tiến sĩ/2.989 vị đỗ đại khoa qua các triều đại, đứng đầu cả nước). Làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, Hải Dương được gọi là "Lò tiến sĩ xứ Đông" có 36 vị đỗ đại khoa, đứng đầu cả nước về số người đỗ tiến sĩ tính theo đơn vị làng xã.
Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, thuộc địa bàn trọng điểm kinh tế phía bắc, trong không gian phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội.
Tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp với vùng đồng bằng chiếm 89% diện tích tự nhiên do phù sa sông Thái Bình bồi đắp, đất màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng, sản xuất được nhiều vụ.
Tiềm năng du lịch phong phú với bề dày văn hoá và văn hiến lâu đời, nơi hội tụ, lưu giữ nhiều di sản văn hoá (có 2.207 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng).
Đánh giá cao thành tích phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua của Hải Dương, Thủ tướng nhìn nhận, sự phát triển này còn dưới mức tiềm năng. Dù Hải Dương được đánh giá là trung tâm trí tuệ hàng đầu cả nước, nhưng nhìn lại quá trình phát triển những năm gần đây cho thấy, tỉnh không những không phát huy được tiềm năng trí tuệ này mà còn mất đi các lợi thế. “Nếu chúng ta không có quyết tâm chính trị cao hơn thì chúng ta đang mất dần lợi thế vốn có”, Thủ tướng nói.
Từ phân tích vị trí chiến lược, địa chính trị, kinh tế của Hải Dương, đặc biệt là tiềm năng nội lực của người xứ Đông, Thủ tướng đề nghị, Hải Dương cần có quyết tâm chính trị cao hơn, cần có ước mơ cao hơn, khát vọng mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ tầm nhìn với Hải Dương trong thập kỷ tới, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của Bắc Bộ và cả nước, trở thành địa phương năng động và phát triển toàn diện, thuộc nhóm đầu của Việt Nam và nghiên cứu xây dựng Hải Dương thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố kết nối Hà Nội và Hải Phòng.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chìa khóa cho sự thành công của Hải Dương nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng của con người, vận dụng những thành tựu công nghệ, sự thuận lợi về yếu tố địa lý và không gian liên kết kinh tế với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và các trung tâm kinh tế khác của cả nước.
Hải Dương không chỉ liên kết theo không gian địa lý mà cần phát huy chuỗi liên kết giá trị giữa các địa phương.
Tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu các khu, cụm công nghiệp để cải thiện tình trạng hiện nay các khu, cụm quá nhiều mà chưa tạo ấn tượng trong phát triển. Cần tái cơ cấu lại hệ thống trường đại học để có trường đại học quy mô, chất lượng cao, có danh tiếng “hơn là trải mành mành, mỗi thứ một tí”.
Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phân công quy hoạch lại sản phẩm là thế mạnh của địa phương.
Muốn như vậy, cần một chính quyền thực sự kiến tạo phát triển, đặt mục tiêu dài hơi hơn, có ý chí, quyết tâm chính trị cao và “chúng ta phải nằm trong nhóm 20 địa phương có chỉ số tốt nhất về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh”. Đặc biệt, cần tập trung vào các yếu tố đang còn yếu của môi trường này như tính minh bạch, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… Sớm phấn đấu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp của Hải Dương.
Tỉnh cần suy nghĩ sâu sắc chiến lược trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước. Muốn trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại thì con người cũng phải có phong thái, tính cách của xã hội công nghiệp, hiện đại. Cùng với đó, tỉnh cần có quy hoạch với tầm nhìn xa, tối ưu hóa các lĩnh vực phát triển để không mâu thuẫn.
Phải thu hút những người giỏi, người giàu đến sống và làm việc ở Hải Dương. Thúc đẩy đô thị hóa cả về số lượng và chất lượng. Coi đô thị hóa là động lực quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hải Dương phải tham gia vào chuỗi giá trị du lịch khu vực thông qua các danh thắng và đặc sản của địa phương. Cần chú ý gia cường các nền tảng xã hội, thể hiện qua bảo đảm trật tự xã hội, giải quyết các mâu thuẫn xã hội, không để phát sinh tiêu cực, phức tạp. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến, giải quyết các kiến nghị của Hải Dương với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển.
Về kiến nghị liên quan đến nâng cấp đô thị, Thủ tướng giao giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thành phố Hải Dương nhanh chóng phát triển trở thành đô thị động lực vùng đồng bằng sông Hồng, là trung tâm về “văn hóa, sinh thái thân thiện môi trường, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ”, là trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.