Phát biểu qua video tại Thượng đỉnh Doanh nghiệp và Đầu tư ASEAN ngày 25-10, Thủ tướng Anh Boris Johnson tự tin rằng thương mại 2 chiều giữa hai bên sẽ ngày càng tăng so với mức 40 tỉ bảng (hơn 55 tỉ USD) đạt được trước đại dịch Covid-19, theo báo Straits Times.
"Chúng ta đang đàm phán các thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng và bao trùm nhiều lĩnh vực. Chúng ta sẽ đi tiên phong trong mảng công nghệ cao, với thỏa thuận Đối tác Đổi mới sáng tạo kỹ thuật số ASEAN - Anh" - ông Johnson khẳng định.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định logistics (kho vận) chính là chiếc chìa khóa trị giá hàng tỉ USD giúp ASEAN hồi phục.
OECD khuyến nghị ASEAN thực hiện đầy đủ một hiệp định 16 năm tuổi liên quan đến "vận tải đa phương" mà Brunei, Malaysia và Singapore chưa phê chuẩn.
OECD còn đề xuất nới lỏng hạn ngạch và giấy phép nhằm đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới; loại bỏ dần những yêu cầu về vốn tối thiểu mà các công ty hiếm khi đáp ứng; tăng cường sử dụng hợp đồng bảo hiểm; khuyến khích vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với các cơ chế sàng lọc để bảo đảm an ninh quốc gia, đồng thời nới lỏng những hạn chế liên quan đến vận tải ven biển.
Container tập kết tại cảng Tanjung Priok ở thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 11-10 Ảnh: REUTERS
OECD khẳng định việc cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy cạnh tranh và gia tăng thương mại có thể mang đến những lợi ích tiềm tàng trị giá 4,5 tỉ USD/năm - tương đương 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng số liệu thực có thể cao hơn 3-5 lần nếu xét thêm những lợi ích sản sinh, như cơ hội nghề nghiệp. Để sử dụng "chìa khóa logistics", chuyên gia cấp cao về cạnh tranh của OECD, ông Ruben Maximian, khẳng định ASEAN cần một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để tránh rủi ro cho doanh nghiệp.
"ASEAN được xây dựng trên nền tảng thương mại, vốn là động cơ chính cho sự phát triển phi thường của khối. Trong khi đó, logistics là nền tảng của mọi hoạt động thương mại" - ông Maximian nhấn mạnh, đồng thời nói thêm để phục hồi sau đại dịch Covid-19, các nước cần đường sá và cầu cảng vận hành trơn tru nhất có thể.
Với mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 và xây dựng tương lai bền vững hơn cho Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương (APH) của Ủy ban Cải cách phục hồi (R4R - trụ sở ở Anh) đã tập hợp các chuyên gia hoạch định chính sách và y tế công hàng đầu nhằm đánh giá nỗ lực chống dịch của toàn khu vực.
APH xác định 3 thách thức chính trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, gồm sản xuất dược phẩm, tiếp cận vắc-xin và triển khai vắc-xin. Nếu cả 3 thách thức này được giải quyết, Covid-19 chính là cơ hội để thế giới củng cố lĩnh vực y tế công, cải thiện năng suất kinh tế và mức độ bền vững của môi trường.
Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm chủng của phần lớn các nước châu Á - Thái Bình Dương đến giờ vẫn còn thấp. Là đầu tàu sản xuất những sản phẩm quan trọng cho toàn thế giới, châu Á - Thái Bình Dương cần nhanh chóng cải thiện hệ thống vắc-xin để tái lập môi trường an toàn cho hoạt động đi lại cũng như khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và phục hồi kinh tế, theo phân tích của cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull với tạp chí Nikkei (Nhật Bản).