Nói đến Blockchain ở Việt Nam, nhiều người chỉ nhớ đến những loại tiền mã hóa, nhưng thực tế, chính phủ các quốc gia đã bắt đầu chạy đua ứng dụng công nghệ này để áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không chỉ là tiền tệ.
Chế độ bầu cử ở Estonia là một ví dụ điển hình. Estonia là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép dân chúng được bỏ phiếu trực tuyến vào năm 2005. Việc bỏ phiếu trực tuyến có đến 30% dân số tham gia và tiết kiệm được hơn 10.000 ngày công lao động, quốc gia này tính toán. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những “chữ ký số” của công dân với công nghệ blockchain giúp các phiếu bầu không thể bị hoán đổi, trên môi trường số hoàn toàn minh bạch và đảm bảo tính chân thực của dữ liệu.
Không chỉ ở câu chuyện bầu cử, công nghệ blockchain cũng hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác nhau ở Estonia, như chăm sóc sức khỏe. Với hồ sơ theo chữ ký số, bác sĩ chẳng thể nhầm bệnh của các bệnh nhân, dữ liệu của mỗi người được lưu giữ trực tuyến, an toàn gần như tuyệt đối. “Chúng tôi cảm thấy an toàn hơn trên không gian mạng”, bà Anna Piperal, Giám đốc của Showroom E-Estonia, đại diện đến từ đất nước Estonia, nhận định về giá trị mà blockchain mang lại trong việc quản lý tại Estonia.
Thực tế, với người dân Estonia, thẻ ID (thẻ căn cước) là một chiếc thẻ điện tử với một mã số độc nhất, nhưng giúp họ tiếp cận đến mọi dịch vụ công. Từ việc nộp đơn xin trợ cấp xã hội, thi giấy phép lái xe, đặt tên cho con... họ đều thực hiện trực tuyến, có lẽ chỉ trừ việc cưới hỏi, ly dị và mua bán bất động sản là chưa lên “sóng trực tuyến” mà thôi.
Trở lại với câu chuyện của bitcoin và blockchain, bà Anna Piperal, cho rằng việc ứng dụng của blockchain không chỉ giới hạn ở tiền ảo. “Trên quy mô rộng hơn, blockchain không phải chỉ là bitcoin. Các ứng dụng của blockchain có thể được sử dụng cho rất nhiều lĩnh vực trong quản lý của chính phủ“, bà Anna kết luận.
Trước đây, công nghệ blockchain được coi là phục vụ cho lĩnh vực tiền mã hóa và gắn liền với các tổ chức kiểm soát tiền tệ là các ngân hàng trung ương, nhưng thực tế, câu chuyện blockchain gần đây còn bao hàm nhiều lĩnh vực khác.
Hiện nay, có rất nhiều chương trình chính phủ thực hiện liên quan đến công nghệ mới đầy hứng khởi này, như ở Canada hay Dubai dự kiến xây dựng thành phố thông minh được phát triển dựa trên công nghệ blockchain. Tại Singapore và một số nước châu Á khác lập các quỹ nghiên cứu phát triển công nghệ này. Ở châu Âu, trong một báo cáo của OECD, blockchain được xem là một công nghệ đầy hứa hẹn trong việc thu thập và quản lý thuế, giúp giảm các giấy tờ đáng kể cho cơ quan công quyền.
Bà Nguyễn Huỳnh Phương Thảo, đại diện pháp luật của Infinity Blockchain Labs (IBL), cho biết thái độ của chính phủ các quốc gia cũng dần cởi mở hơn, đặc biệt là sự xuất hiện của các blockchain token, các sản phẩm được tạo ra thông qua sử dụng công nghệ blockchain. Các quy định được đưa ra không chỉ để bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu, mà còn phải ngăn cản các hành vi lợi dụng chúng.
Một khảo sát của IBL cho thấy Nhật từng xem tiền mã hóa là những “vật thể” và không hề có luật về blockchain cho tới tháng 4.2017, khi một đạo luật được thông qua tuyên bố bitcoin và các loại tiền ảo khác được phép làm phương tiện thanh toán. Từ tháng 7.2017, bitcoin đã chính thức trở thành phương thức thanh toán hợp pháp tại Hàn Quốc, nhưng quốc gia này vẫn quản lý chặt chẽ và yêu cầu người sở hữu token phải đăng ký rõ ràng. Năm ngoái, Nga cũng bãi bỏ lệnh cấm bitcoin từ năm 2015. Trong khi đó, Mỹ đưa ra định nghĩa riêng về khái niệm token, còn Trung Quốc trực tiếp phát triển nền tảng blockchain riêng cho mình.
Thực tế, có rất nhiều quan điểm khác nhau về blockchain ở khắp nơi trên thế giới. “Trong khi hầu hết các nước phát triển tỏ thái độ chấp nhận công nghệ blockchain và ứng dụng của nó thì các nước châu Á, nơi có nền công nghệ kém phát triển hơn, lại khá dè dặt, bên cạnh một số nước thậm chí còn cấm sử dụng blockchain”, bà Thảo nhận định.
Ở Việt Nam, công nghệ blockchain đang được nhìn nhận một cách thận trọng. Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thừa nhận tiền mã hóa như là một hình thức thanh toán hợp lệ, nhưng đến năm ngoái, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, tức bất hợp pháp. Tuy nhiên, tháng 8.2017, Chính phủ đã lên kế hoạch cho dự án hoàn thiện khung pháp lý về tài sản số, tiền điện tử và tiền ảo.
Mới đây, trong cuộc hội thảo quy mô lớn đầu tiên về blockchain ở Việt Nam, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, cho biết vào tháng 7 tới, Chính phủ sẽ công bố Luật sửa đổi về chuyển giao công nghệ với nhiều nội dung mới, trong đó tập trung việc thúc đẩy đưa các công nghệ mới, tiên tiến vào ứng dụng trong các ngành, tạo hành lang thông thoáng, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ nước ngoài mới dễ dàng hơn, sẽ có hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ trong việc nhập khẩu các công nghệ này và blockchain là một trong những số đó.
Trong một bối cảnh khác, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc Việt Nam (NAPAS), đơn vị trung gian hạ tầng thanh toán cho nền tài chính Việt Nam, năm ngoái công bố hợp tác với NETS (Singapore) để nghiên cứu việc chuyển tiền xuyên quốc gia dựa trên công nghệ blockchain.
Ông Junya Yamamoto, Chủ tịch của Infinity Blockchain Labs (IBL) và là đơn vị tổ chức hội nghị blockchain tại Việt Nam, cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã nhận ra sức ảnh hưởng của blockchain. Với những động thái lạc quan hiện nay, tôi tin rằng khung pháp ly dành cho blockchain sẽ sớm thành hiện thực trong tháng 8 năm nay và sẽ trở thành một cú hích không chỉ trong các ngành liên quan mà còn lan tỏa ra nhiều ngành khác vì tính ứng dụng rộng rãi của blockchain”.
IBL đã hoàn thành ứng dụng ví Infinito vào đầu năm nay. Theo ông Junya Yamamoto, một bộ luật hấp dẫn các nhà đầu tư chỉ nên có các điểm chính cần thiết để hợp pháp hóa một ý tưởng công nghệ, thay vì ngược lại là một bộ luật đóng khung các ý tưởng blockchain trong những điều được cho phép làm.
Trong khi mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng tìm sản phẩm tối ưu phục vụ người tiêu dùng, các chính phủ cũng đang tìm cách ứng dụng công nghệ mới mẻ trong rất nhiều ngành, từ y tế, nông nghiệp, cho đến ngân hàng.