Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Năm 2017, tín dụng ước tăng khoảng 18,7%- 19,3% (năm 2016 tăng 19%), hỗ trợ tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh theo đà tăng trưởng từ cuối năm 2015. Năm 2017 tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% (năm 2016: 50,2%). Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% (năm 2017).
Tín dụng tiêu dùng tăng 65%, quy mô ước tính lên đến 52 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ tín dụng năm 2016 đạt 5.505.406 tỷ đồng. Như vậy, với mức tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18,7 -19,3% năm 2017 theo báo caó của NFSC, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước tính khoảng 6,53 triệu tỷ đến 6,56 triệu tỷ đồng
Trong khi đó, NFSC cũng cho biết, tín dụng tiêu dùng chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Theo tính toán của chúng tôi, điều này đồng nghĩa với quy mô thị trường cho vay tiêu dùng cuối năm 2017 đã đạt tới khoảng 1,17 triệu tỷ đến 1,18 triệu tỷ đồng tương đương với khoảng 52 tỷ USD.
Năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65%, trong đó, cho vay phục vụ mục đích mua nhà, sửa chữa nhà để ở chiếm 53,8% (năm 2016 chiếm khoảng 50%). Nguyên nhân chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Đồng thời, người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống.
Cơ cấu cho vay tiêu dùng - Nguồn: NFSC
Cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2%, chiếm 8,3%.
Thị phần chuyển dịch sang nhóm Ngân hàng TM Nhà nước.
Thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm NHTM NN tăng mạnh, từ 39% toàn ngành năm 2016 lên 45,7% cuối năm 2017; nhóm NHTM CP chiếm 42,4%, giảm nhẹ từ mức 47% cuối năm 2016; nhóm CTy TC&CTTC chiếm 7,6% (năm 2016 là 9,3%), còn lại là nhóm NHNNg.
Thị phần cho vay tiêu dùng - nguồn: NFSC
Thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung ở nhóm NHTM (chiếm 88%), trong khi nhóm các Công ty tài chính chỉ chiếm 7.6 %. Sự chênh lệch lớn về thị phần của hai nhóm là do danh mục cho vay của các NHTM chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như cho vay mua nhà, mua ô tô trong khi nhóm Công ty tài chính hương đến các khoản vay giá trị thấp. Hơn thế nữa, các NHTM có được lợi thế rất lớn về nguồn vốn, hệ thống và mạng lưới giao dịch rộng khắp, điều mà các công ty tài chính khó có được.
Theo NFSC, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao.