Sáng 21/6, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tìm kiếm phương pháp hợp tác công – tư (PPP) hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hợp tác công tư theo mô hình BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hiện là mô hình được dùng nhiều nhất tại châu Á chiếm gần 46% trong số hợp đồng đối tác công - tư. BOT trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mang tiềm năng lớn trong thu hút nguồn tài chính tư trong việc xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng.
Trong nước thực tế cũng ghi nhận các dự án BOT hạ tầng giao thông góp phần thay đổi diện mạo giao thông đường bộ ở Việt Nam. Chỉ trong khoảng một thập kỷ qua, hạ tầng giao thông của nước ta đã thay da đổi thịt với diện mạo mới với những công trình là các tuyến đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu vượt biển, cầu dây văng… giúp kết nối kinh tế thuận lợi giữa các địa phương, giữa các vùng trong cả nước; thời gian di chuyển giữa các địa phương được giảm xuống một nửa hoặc 1/3 trước đó. Đây chính là tiền đề tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện bứt phá trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của đất nước.
Tuy vậy, thời gian qua quá trình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này trước đây được thực hiện trong bối cảnh thiếu các hướng dẫn đồng bộ gây ra một số vấn đề tại một số dự án cụ thể: Phương án tài chính của dự án bị ảnh hưởng, khó khăn trong thanh quyết toán công trình, các dạng vi phạm hợp đồng dự án từ phía nhà đầu tư, cơ quan nhà nước....
Từ đó, dẫn tới vừa chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư trong hợp tác công – tư và lợi ích của người thụ hưởng dịch vụ công.
Ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia về hợp tác công tư (PPP) nêu thực tế, việc phân chia rủi ro chưa rõ ràng cũng là một hạn chế trong thu hút các dự án BOT: "Các dự án BOT Việt Nam chưa thu hút được các nhà đầu tư, đấy là cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được nhất quán, các nhà đầu tư tư nhân họ sẽ gánh chịu một số rủi ro, nhưng mà các cơ chế phân chia rủi ro đó nó chưa rõ ràng. Vì thế nên nhà đầu tư tư nhân họ vẫn còn lo ngại về các rủi ro bất định mà họ phải gánh chịu. Về nguyên tắc thì càng nhiều rủi ro thì phải đem lại nhiều lợi nhuận, nếu chúng ta đẩy rủi ro mà họ không có khả năng xử lý được vấn đề thì rõ ràng là sẽ đem lại gánh nặng cho khu vực công sau này".
Một số ý kiến cũng cho rằng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hiện có hiệu lực được hơn một năm, song hiện phát sinh nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Vì thế, để thu hút các dự án và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông theo mô hình BOT tại nước ta, cùng với việc khắc phục các cản trở về thể chế, cần phải tạo sự minh bạch, bình đẳng để nhà đầu tư tin cậy, yên tâm bỏ vốn vào các công trình phục vụ đất nước, người dân. Tạo cơ sở phát lý thuận lợi để thực hiện kế hoạch đầu tư các công trình giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận.
Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, chia sẻ rủi ro, hài hoà lợi ích, đảm bảo trong dài hạn sẽ là những vấn đề cần quan tâm để thu hút nhà đầu tư. "Để có thể tổ chức triển khai Luật Đối tác công tư một cách có hiệu quả, đặc biệt là các hướng dẫn để triển khai các mẫu hợp đồng… đó là những biện pháp có tính chất kỹ thuật rất là cụ thể triển khai dự án này. Cần đảm bảo được nguyên tắc hài hòa, lợi ích chia sẻ rủi ro, đảm bảo sự an toàn, yên tâm và dài hạn cho các nhà đầu tư và một loạt vấn đề mà chúng ta sẽ phải làm trong thời gian tới", ông Lộc nêu rõ./.