Sáng ngày 10/11, 6 tập đoàn, tổng công ty chính thức được Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Sáu tập đoàn, tổng công ty được Bộ Công Thương bàn giao về Ủy ban là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Tại lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc bàn giao chức năng quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn là thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về thành lập cơ quan chuyên trách. Qua đó khắc phục các hạn chế tồn tại trong các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý vốn nhà nước.
"Việc phân biệt chức năng đại diện chủ sở hữu là cần thiết để kiến tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước quản lý ngày càng tốt hơn. Đây là bước đi quan trọng thực hiện quan điểm của Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền, Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ đất nước", Bộ trưởng nói.
Bộ Công Thương có 6 doanh nghiệp chuyển về "siêu uỷ ban". Đây đều là các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào cụng cầu, cân đối vĩ mô, ngân sách nhà nước. Phần vốn nắm giữ lên tới 555.000 tỷ đồng, chiếm 1/2 tổng vốn nhà nước mà Uỷ ban quản lý vốn nắm giữ trên tổng số 19 doanh nghiệp chuyển về. Việc bàn giao đảm bảo đúng tiến độ 45 ngày kể từ khi Nghị định 31 có hiệu lực.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng dù đã chuyển giao song các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Uỷ ban sẽ cố gắng chỉ đạo các tập đoàn tốt nhất, hoàn thiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là tái cơ cấu các doanh nghiệp này theo phương án đã được duyệt.