Giám đốc điều hành Nvidia , Jensen Huang từ lâu nay đã tạo nên biểu tượng cá nhân thông qua việc chọn lựa chiếc áo khoác da màu đen làm trang phục ưa thích cho những sự kiện trọng đại, ngoại trừ các dịp ông cần mặc trang phục chính thức. Từ hội nghị nhà phát triển GTC năm 2018, sự kiện World ITF 2023, đến Computerx 2023, và thậm chí khi xuất hiện trên bìa tạp chí Time như một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2021, Huang luôn trung thành với phong cách này. Trong một sự kiện hỏi đáp trên mạng xã hội Reddit năm 2016, ông tự mô tả mình là "người đàn ông mặc áo khoác da".
Do đó, việc Jensen Huang mặc một chiếc áo khoác da khác tại sự kiện GTC 2024 mới đây không khiến nhiều người ngạc nhiên. Vẫn giữ màu đen quen thuộc, chiếc áo da này tiếp tục cho thấy 'gu' và sự am hiểu sâu sắc về thời trang da thật của Huang tốt đến mức nào.
Theo đó, CEO của công ty có giá trị vốn hóa lên mức nghìn tỷ đô đã lựa chọn một chiếc áo khoác da dập vân da tê giác Tejus, vốn thuộc bộ sưu tập thời trang nam Tom Ford SS2023. Sự lựa chọn này phản ánh không chỉ gu thẩm mỹ của ông Huang, mà còn cho thấy CEO Nvidia đặc biệt thích sự tinh tế trong chi tiết cổ áo, khóa kéo và cổ tay áo. Đáng chú ý, chiếc áo khoác này không phải làm từ da kỳ nhông hay cá sấu - vốn bị cấm ở California - mà thực chất là da bê với giá 8.990 USD - tức giá trị tương đương với hơn 10 cổ phiếu của Nvidia ở thời điểm viết bài (tức khoảng 890 USD/cổ phiếu).
Tuy nhiên, có một thông tin khá thú vị dành cho những người yêu thích phong cách của CEO Nvidia : chiếc áo khoác da Tom Ford này đang được giảm giá 40% tại nhà phân phối đồ xa xỉ tại Ý, Luisa Via Roma. Mặc dù vậy, ngay cả khi đã được giảm giá, giá của nó vẫn còn là 5.394 USD, cao hơn giá trị của 6 cổ phiếu của Nvidia .
Vì sao CEO Nvidia mặc áo da mọi lúc mọi nơi?
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "The Moment" của HP, người dẫn chương trình Ryan Patel đã thăm dò về gu thời trang của Huang, đề cập đến chiếc áo khoác đặc trưng và nhận xét rằng nhiều người coi ông là một ngôi sao thời trang. Huang khiêm tốn đáp lại rằng ông hạnh phúc khi gia đình chọn phong cách này cho mình và từ chối được gọi là ngôi sao thời trang.
Phong cách đặc trưng này không những giúp Huang trở nên nổi bật mà còn khiến ông được cộng đồng mạng biết đến như một biểu tượng thời trang, bất chấp việc ông thường xuyên chọn lựa một kiểu trang phục duy nhất. Theo người phát ngôn của ông, Huang đã duy trì phong cách này suốt hơn 20 năm, song hành cùng quá trình xây dựng Nvidia thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Thậm chí, Huang đã không ngần ngại mặc chiếc áo khoác da yêu thích của mình dù trong điều kiện thời tiết khác nhau. Kể cả trong chuyến đi đến Ấn Độ với nhiệt độ 32 độ C tại New Delhi, ông vẫn giữ vững phong độ. Business Insider từng mô tả hình ảnh của Huang: "Từ thành phố này đến thành phố khác, qua mỗi bức ảnh selfie, Jensen Huang đã vượt qua cái nóng bức để giữ vững phong cách 'đồng phục' đặc biệt của mình".
Bản thân gu thời trang của Huang cũng trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi, với nhiều người tò mò về giá cả và thương hiệu của những chiếc áo khoác da. Có người còn đùa rằng liệu ông có mặc chúng khi ngủ không, trong khi người khác cho rằng những chiếc áo này có giá trị cao, có thể từ những thương hiệu danh tiếng như Hermès với giá hơn 10.000 USD. Nắm bắt được sự nổi tiếng của chiếc áo khoác da, các cửa hàng trực tuyến đã bắt đầu rao bán những mẫu áo tương tự của Jensen Huang với giá 99 USD, và theo Business Insider, những mẫu áo này nhanh chóng cháy hàng trên Amazon.
Không chỉ Jensen Huang, việc theo đuổi và mặc một kiểu trang phục duy nhất đã được nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Steve Jobs và Mark Zuckerberg áp dụng, nhằm mục đích định hình bản thân qua một phong cách đặc trưng. Jobs luôn chọn áo cổ lọ của Issey Miyake, trong khi Zuckerberg ưa chuộng áo phông của Brunello Cucinelli. Họ chia sẻ rằng việc này giúp họ tiết kiệm thời gian và tập trung hơn vào công việc.
Quay trở lại với Jensen Huang, không chỉ nổi bật về gu thời trang, CEO của Nvidia còn là một biểu tượng trong ngành công nghệ nhờ vào những đóng góp của mình cho ngành bán dẫn và sự thành công của các mẫu chip đồ họa. Sinh ra tại Đài Bắc vào năm 1963 và từng sống ở Đài Loan và Thái Lan, Huang cùng với hai người bạn là Chris Malachowsky và Curtis Priem đã thành lập Nvidia vào năm 1993 với vốn đầu tư ban đầu là 40.000 USD.
Sau nhiều năm hoạt động, vào năm 2022, sự bùng nổ của ChatGPT đã tạo ra cơn sốt toàn cầu cho chip AI của Nvidia , đẩy giá trị vốn hóa của công ty từ 400 tỷ USD vào tháng 1 lên mốc 1.000 tỷ USD vào cuối tháng 5.
Trong tại sự kiện GTC 2024 mới, Jensen Huang đã công bố Blackwell B200 - dòng GPU thế hệ mới của Nvidia dành cho trung tâm dữ liệu và AI. Đây cũng chính là thiết bị kế thừa các mẫu GPU như Hopper H100 và siêu chip Grace Hopper GH200. Nvidia cũng thông báo về việc tích hợp AI tổng quát vào quy trình làm việc cuLitho, hiện đang được TSMC và Synopsys áp dụng để tăng tốc độ phát triển quang học tính toán.