Chiếc cặp da đen bí ẩn
Ngày 12/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã tới thăm Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Nga. Trong chuyến thăm, ông Putin đã có bài phát biểu nói rằng Nga sẽ đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ của cái gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" của nước này ở Ukraine.
Tuy nhiên, trong chuyến thị sát tưởng chừng như bình thường này, có một chi tiết đã thu hút sự chú ý của nhiều kênh truyền thông phương Tây, đó là chiếc cặp da đen được tùy tùng của ông Putin xách theo. Chiếc cặp cũng đã xuất hiện cách đây vài ngày khi ông Putin tham dự lễ tang của lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do Nga Vladimir Zhirinovsky.
Mặc dù không có tuyên bố chính thức nào từ phía Nga, nhưng các kênh truyền thông Anh như The Independent và Daily Mail đã khẳng định rằng, đây là chiếc cặp chứa thiết bị kích hoạt vũ khí hạt nhân của Nga, và ông Putin hiện đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân bất cứ lúc nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Belarus Lukashenko vào ngày 12/4, và một tùy tùng (đầu tiên từ bên trái) mang theo một chiếc cặp da màu đen. Ảnh: AP
Ông Putin tham dự lễ tang của Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga, Zhirinovsky. Ảnh: TV Zvezda/east2west news
Trong bối cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng, mối lo ngại về một cuộc tấn công hạt nhân lại được giới quan sát phương Tây đặt ra.
Neil Ferguson - một nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) - nói với kênh CNBC rằng, nếu không giành được một chiến thắng quân sự thông thường ở miền đông Ukraine, ông Putin có thể sẽ dùng đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trên thực tế, ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vào ngày 28/2, Tổng thống Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng răn đe của nước này, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trong tình trạng "báo động cao". Điều này ngay lập tức làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Ông Putin cũng cảnh báo rằng, tại Ukraine, "bất kỳ ai cố gắng cản trở Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả chưa từng có". Phát biểu này đa phần được phương Tây giải thích rằng, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu hành động của họ bị phương Tây cản trở.
Tuy nhiên, nhiều kênh truyền thông và các nhà phân tích tin rằng, mối đe dọa hạt nhân thực sự mang tính biểu tượng hơn.
BBC đưa tin, ông Putin đã nhiều lần đề cập đến vũ khí hạt nhân của Nga, dường như là để "gây ra cảm giác sợ hãi".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, ông tin vào tuyên bố của ông Putin "có một mối đe dọa lớn" nhưng không có nghĩa là sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tờ Foreign Policy của Mỹ viết rằng, giữa các biến động tại Crimea và Donbas vào năm 2014, ông Putin cũng đưa ra các phát ngôn về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này cho thấy rằng, ông chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân như một "chiếc ô bảo vệ".
Mặc dù ông Putin mới chỉ nâng mức cảnh báo vũ khí hạt nhân của Nga lên một mức, và chưa bước vào mức "cảnh báo quân sự" cao hơn và mức "báo động hoàn toàn" cao nhất, nhưng chắc chắn rằng mỗi mức độ cảnh báo được nâng lên đều gần với việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hơn.
Theo trang Phượng hoàng của Trung Quốc, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và ước tính có hơn 6.300 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn Mỹ 1.000 đầu đạn hạt nhân. Nga cũng đã triển khai một số phương tiện vận tải gần Ukraine; những phương tiện này có "khả năng kép" và có thể được sử dụng để phóng cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân.
Trong những năm qua, Nga liên tục tăng cường sức mạnh hạt nhân, gia tăng số lượng và quy mô các cuộc tập trận, đồng thời đưa ra những lời đe dọa hạt nhân rõ ràng đối với các nước khác. Điều này khiến cho cộng đồng quốc tế rất khó biết được ý định thực sự về lời đe dọa hạt nhân của ông Putin và không ngừng đồn đoán.
Pháo tự hành Malka - Bệ phóng bom hạt nhân cỡ nhỏ của Nga. Ảnh: Ifeng
Mối đe dọa với Ukraine hay Nga có kế hoạch khác
Theo trang Phượng hoàng, Ukraine đã từng là một cường quốc hạt nhân. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine "thừa hưởng" một lượng lớn vũ khí hạt nhân từ Liên Xô, ước tính có khoảng 5.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, đưa Ukraine trở thành quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, trước sức ép của Mỹ và Nga, Ukraine đã ký "Bản ghi nhớ Budapest" vào năm 1994, đồng ý tiêu hủy các vũ khí hạt nhân này, và đến nay vẫn là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân.
Do đó, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, nếu Ukraine vẫn có sức mạnh răn đe hạt nhân ở thời điểm hiện tại, thì ông Putin sẽ không dễ dàng phát đi tín hiệu về một mối đe dọa hạt nhân.
Nhưng theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia, trên thực tế, lời đe dọa hạt nhân của ông Putin không nhằm vào Ukraine, mà nhằm vào NATO.
Các nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng Nga sẽ sử dụng chiến lược được gọi là "dùng leo thang để giảm leo thang" trong trường hợp xảy ra xung đột với NATO. Chiến lược này đề cập đến việc Nga sử dụng hạn chế các đòn tấn công hạt nhân trong các cuộc xung đột cục bộ để ngăn chặn đối thủ bằng cách leo thang cuộc đối đầu thành xung đột hạt nhân, buộc họ phải ngừng các hoạt động quân sự và cuối cùng là "giảm leo thang" chiến tranh.
Theo phân tích của Mạng đánh giá an ninh toàn cầu của Mỹ, chiến lược an ninh quốc gia của Nga với mục tiêu cuối cùng là "giảm leo thang hạt nhân" có thể khiến nước này thực hiện một số hành động "rất kịch tính", chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật khiến cho đối thủ khiếp sợ và lùi bước.
Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho dù mục đích cuối cùng của đe dọa hạt nhân từ phía Nga là gì, ông Putin sẽ hạn chế NATO bằng cách gây ra "cảm giác sợ hãi". Nếu phản ứng của NATO chỉ giới hạn ở các biện pháp trừng phạt kinh tế nhiều hơn, điều này sẽ chỉ khiến Nga leo thang hơn nữa, thậm chí có thể là sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, bởi vì "Nga tin rằng mình có khả năng dẫn dắt leo thang xung đột, và NATO rõ ràng không muốn mạo hiểm".
"Mỹ và NATO không nên quá coi thường và gạt bỏ vai trò của sức mạnh hạt nhân, hoặc cho rằng sức mạnh hạt nhân không còn là trọng tâm của một cuộc khủng hoảng quân sự tiềm tàng. NATO đang đối mặt với mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân rất rõ ràng từ phía Nga", báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết.